Mày đay mạn tính do nguyên nhân gì?

0
1572

Mày đay mạn là tình trạng gây ra ban da ngứa nổi và lặn trong vòng 6 tuần hoặc hơn thế. Nguyên nhân của bệnh thường  không được biết rõ, một số người có phù môi, lưỡi và những vùng khác của cơ thể qua thời gian. Các triệu chứng này thường lặn khi sử dụng kháng histamine.

Mày đay là gì?

Mày đay là tình trạng ban da ngứa được gây ra do sự thoát dịch từ mạch máu ra mô dưới da. Mày đay được phân loại gồm:

  • Mày đay cấp – nếu như xuất hiên đột ngột và hết trong thời gian ngắn hơn 6 tuần. Phần lớn các trường hợp đều khỏi trong vòng 24-48 giờ. Có khoảng 1/6 trường hợp có ít nhất một lần bị mày đay trong cuộc đời. Chúng có thể bị ở mọi lứa tuổi và có một số người thường hay bị mày đay tái phát.
  • Mày đay mạn tính – Nếu như ban mày đay diễn tiến kéo dài hoặc dai dẳng trong gần như tất cả các ngày trong vòng ít nhất 6 tuần. Tình trạng này thường ít gặp. Có khoảng 1/1000 người xuất hiện mày đay mạn ở một vài giai đoạn của họ. Chúng thường gặp nhiều ở những người lớn trẻ tuổi và phụ nữ hơn là nam giới (gấp đến 2 lần) . Một số người có ban mày đay nổi và lặn trong vòng vài tháng hoặc vài năm.

Phần còn lại của bài viết này chỉ tập trung vào các trường hợp mày đay mạn. các trường hợp mày đay cấp sẽ được đề cập ở một chủ đề khác.

Hình ảnh có liên quan

Ban mày đay trông như thế nào?

Ban có thể ảnh hưởng ở bất cứ vùng da nào. Những vùng gờ lên nhẹ trên da được gọi là mảng phù (weals hoặc wheal). Các mảng phù này trông giống như có những bọng nước nhỏ và ngứa, thường được bao quanh bởi vùng da đỏ hoặc trắng, kích thước thường từ 1-2cm nhưng cũng có thể rất thay đổi. Ban đầu ban có thể xuất hiện ít những dần sau đó xuất hiện ở những vùng khác và đôi khi chúng hợp với nhau thành mảng phù lớn. Các mảng phù này có thể có rất nhiều hình dạng nhưng thường có dạng hình tròn.

Một khi các mảng phù này nhạt dần, vùng viền xung quanh vẫn còn xuất hiện một thời gian. Điều này làm cho da những vùng bị ảnh hưởng trông có vẻ đỏ hoặc loang lổ. Sau đó chúng nhạt dần và da trở về bình thường. Mỗi mảng phù thường tồn tại dưới 24h. Tuy nhiên, một khi có một vài mảng phù này biến mất thì có những cái khác lại xuất hiện lên có vẻ như chúng chạy khắp cả cơ thể vậy. Các ban da này thường biến mất hoàn toàn trong một  vài giờ hoặc một vài ngày sau đó.

Mày đay

Kết quả hình ảnh cho chronic urticaria
Nguồn: Dermnetnz.net
Nguồn: Dermnetnz.net

Có những triệu chứng nào khác không?

  • Sự xuất hiện các ban và ngứa như vậy có thể gây những căng thẳng về tâm lý
  • Tình trạng khác liên quan được gọi là phù mạch xảy ra qua thời gian ở một số người bị mày đay mạn. Trong tình huống này, có một lượng dịch thoát ra các vùng mô sâu dưới da và gây phù nề vùng mô đó.
    • Phù mạch có thể xảy ra bất cứ nơi đâu trong cơ thể nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến mí mắt, môi và sinh dục.
    • Đôi khi lưỡi và họng cũng có thể bị ảnh hưởng. Đôi khi đủ để gây khó thở.
    • Các triệu chứng của phù mạch có xu hướng kéo dài hơn những mảng phù và thường mất đến 3 ngày để chúng giảm đi hoặc biến mất.
  • Có dạng được gọi là mày đay mạch máu (vasculitic urticaria) ở một số ít trường hợp. Trong trường hơp hợp này, các mảng phù thường kéo dài > 24 giờ và thường gây đau, có màu đỏ sậm, để lại dấu đỏ trên da sau khi thoái lui.

Các nguyên nhân nào gây mày đay mạn?

Yếu tố gây khởi phát được nghĩ do bới sự phóng thích các hóa chất (như là histamine) từ các tế bào trong da. Các hóa chất này gây thoát dịch từ những mạch máu nhỏ ra bề mặt mô dưới da, dịch tập trung lại hình thành các mảng phù. Các hóa chất này cũng làm cho các mạch máu giãn rộng và hình thành những vùng đỏ/trắng da xung quanh. Các yếu tố khởi phát này thường không được biết rõ hoặc không được xác định trong nhiều trường hợp. Những nguyên nhân có thể gây ra trong một số trường hợp có thể là:

  • Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân có thể là các bệnh lý tự miễn dịch (ví dụ như lupus, bệnh lý tuyến giáp…). Tự miễn có nghĩa rằng hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta gây phá hủy các tế bào của chính chúng ta. Bình thường, cơ thể sản sinh ra những protein được gọi là kháng thể để chống lại nhiễm trùng; Ví dụ như mỗi khi chúng ta bị cảm hoặc viêm họng, các kháng thể này giúp cơ thể giết chết các tác nhân gây nhiễm trùng này. Trong bệnh lý tự miễn, cơ thể cũng tạo ra những kháng thể tương tự (tự kháng thể) tấn công vào những tế bào bình thường. Trong mày đay, các kháng thể này gắn vào những tế bào dưới da và làm chúng phóng thích histamine và các chất hóa học khác. Lý do vì sao như vậy chũng chưa được biết rõ
  • Dị ứng với thức ăn, thuốc hoặc kí sinh trùng (ví như giun sán) là những nguyên nhân ít gặp gây ra mày đay mạn. Các xét nghiệm da đặc biệt có thể được thực hiện để kiếm tra nếu như tình trạng dị ứng này được nghĩ đến.
  • Mày đay vật lý. Đây là loại mày đay mà ban xuất hiện dưới những kích thích vật lý. Ví dụ thường gặp nhất đó chính là chứng da vẻ nổi (dermatographism) – ban mày đay xuất hiện ở những vùng vùng da bị cào gãi. Những trường hợp khác được gây bởi sức nóng, lạnh, xúc cảm, gắng sức hoặc dưới ánh nắng mặt trờ gay gắt. Các trường hợp này thường gây ra các đợt mày đay cấp nhưng đôi khi cũng gây ra những triệu chứng mạn.
  • Vi khuẩn Helicobacter pylori( pylori) thường tìm thấy ở dạ dày có thể là yếu tố nguy cơ ở một số trường hợp. Nếu như bạn bị nhiễm loài vi khuẩn này và khi chúng được điều trị khỏi, tình trạng mày đay mạn mà  bạn đang gặp cũng có thể được chữa  khỏi.

Mày đay mạn có nghiêm trọng không?

Ban mày đay thường gây ngứa, mỗi mảng phù thường tồn tại ít hơn 24 giờ. Tuy nhiên, khi ban nổi và lặn một cách thường xuyên, triệu chứng ngứa diễn tiến có thể gây ra rối loạn giức ngủ, các hoạt động thường ngày và những căng thẳng tâm lý cho bạn. Một đợt phù mạch có thể nghiêm trọng nếu như khi chúng gây khó thở nghiêm trọng. Đôi khi có thể gây ra những đáp ứng dị ứng nghiêm trọng (ví dụ như shock phản vệ) lên những cơ quan hệ tuần hoàn, hô hấp. Các phế quản bị co thắt, gây khó thở, xoàng đầu, huyết áp tụt và thường có diễn tiến nhanh. Do đó hãy gọi hoặc đến cấp cứu nếu như bạn thấy những triệu chứng nhu vậy xuất hiện.

Những người bị mày đay mạn có nguy cơ gia tăng bị những rối loạn hệ thống miễn dịch như:

  • Bệnh lý tuyến giáp
  • Lupus
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Hội chứng Sjogren’s
  • Bệnh Celiac
  • Đái tháo đường type 1

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ

– Hãy đến khám bác sĩ khi có:

  • Mày đay nặng
  • Không đáp ứng với điều trị
  • Vẫn còn xuất hiện trong vòng một vài ngày

  – Gọi hoặc đến cấp cứu ngay nếu như:

  • Cảm giác xâm xoàng/chóng mặt
  • Khó thở nhiều hoặc có bất kỳ vấn đề gì về đường
  • Cảm thấy lưỡi hoặc họng của bạn sưng lên.

Những câu hỏi và những vấn đề cần chú ý khi gặp bác sĩ

Khi bạn gặp mày đay mạn, bạn cần được các bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng khám và tư vấn. Do đó, bạn cần chú ý một số vấn đề để hỏi về tình trạng của mình đang gặp phải như:

  • Khả năng nguyên nhân nào gây ra triệu chứng đó?
  • Bao lâu chúng sẽ biến mất?
  • Tôi cần làm thêm những xét nghiệm nào không? Những xét nghiệm đó yêu cầu phải chuẩn bị đặc biệt gì không?
  • Những phương pháp điều trị nào và tôi nên sử dụng phương pháp nào?
  • Việc điều trị đó có tác dụng phụ nào không?
  • Tôi đang có bệnh lý … đi kèm. Việc điều trị như vậy có làm ảnh hưởng gì không?

Bác sĩ có thể cần bạn cung cấp một số thông tin như

  • Bạn có triệu chứng gì? Khi nào và bắt đầu xuất hiện khi nào?
  • Bạn có khó thở, tức ngực, buồn nôn hoặc khó chịu vùng họng nào không?
  • Bạn có đợt nhiễm trùng nào gần đây không?
  • Bạn có sử dụng bất kỳ thuốc tây hoặc thuốc nam nào gần đây không?
  • Bạn có thử bất kỳ thức ăn mới nào gần đây không?
  • Bạn có đi du lịch ở đâu đó gần đây không?
  • Gia đình bạn có ai hay bị mày đay mạn hoặc phù mạch như bạn không?
  • Bạn có thấy thứ gì làm cải thiện hoặc làm nặng thêm các triệu chứng đó không?

Điều trị mày đay mạn như thế nào?

Điều trị bất kỳ yếu tố bên dưới gây khởi phát những triệu chứng của bạn.

Nếu như bác sĩ xác định được tình trạng khác gây ra mày đay, đầu tiên họ sẽ thử điều trị chúng. Ví dụ như với những người bị mày đay mạn và viêm tuyến giáp thì cách điều trị tốt nhất là điều trị bệnh lý tuyến giáp đó, vấn đề sẽ được giải quyết.

Thuốc kháng histamine

Sự phóng thích các histamine dưới da gây ra mày đay. Do đó, phần lớn những người bị ảnh hưởng có cải thiện một phần triệu chứng hoặc đôi khi cải thiện hoàn toàn khi sử dụng kháng histamine uống. Kháng histamine có thể biến đổi rất đa dạng như:

  • Một số thuốc thế hệ cũ có xu hướng gây buồn ngủ, nhưng sẽ có lợi khi sử dụng chúng vào lúc trước khi đi ngủ.
  • Các kháng histamine thế hệ mới ít gây buồn ngủ hơn. Nếu cần, bạn có thể sử dụng chúng thường xuyên.
  • Một số người có xu hướng sử dụng kháng histamine có hoạt tính gây ngủ vào lúc đi ngủ và sử dụng thế hệ mới vào ban ngày.
  • Có một số người đáp ứng một loại kháng histamine này tốt hơn những loại khác. Nếu như khi sử dụng một loại không giúp cải thiện gì nhiều, sử dụng một loại khác phù hợp hơn. Thường cần thử kháng histamine trong vòng 1-2 tuần trước khi đưa ra quyết định xem liệu chứng có hiệu quả hay không.
  • Ở một số người, việc uống kháng histamine là bắt buộc khi triệu chứng bùng phát. Tuy nhiên, nếu như ban da xuất hiện 3 ngày hoặc nhiều hơn thế mỗi tuần, tốt nhất là nên uống kháng histamine mỗi ngày cho dù có triệu chứng hay không. Điều này giúp ngăn ngừa ban và ngứa xuất hiện hơn là khi uống thuốc ngay và chờ đợi thời gian đáp ứng khi ban xuất hiện.

Nếu những thuốc trên đơn thuần không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê cho bạn một số thuốc khác như các thuốc kháng H2, thuốc kháng viêm hoặc chống trầm cảm hoặc những thuốc tiêm khác.

Làm dịu ban da

Các sản phẩm  kem có chứa hoạt chất như là menthol có thể có ích trong việc làm mát da và giúp làm dịu ngứa. Dạng dịch calamine cũng có thể có ích. Đắp vùng ảnh hưởng bằng khăn tắm lạnh, máy quạt cũng có thể làm giảm khó chịu cho bạn. Tắm hoặc rửa bằng nước ấm có thể giúp giảm ngứa trước khi đi ngủ và giúp cho bạn dễ ngủ hơn. Một việc bạn cần chú ý nữa đó là cần tránh sử dụng xà phòng mạnh hoặc cào gãi, kích thích thêm những vùng bị ảnh hưởng vì có thể làm chúng trở nên nặng hơn.

Tránh những yếu tố khởi phát hoặc làm nặng thêm triệu chứng?

Đôi khi yếu tố khởi phát như là thức ăn được biết gây ra tình trạng của bạn, khi đó tốt nhất là nên tránh ăn uống những thực phẩm đó. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng tìm được nguyên nhân gây khởi phát như vậy. Ví dụ, nếu như khi bạn nghĩ là do thức ăn gây mày đay, bạn nên chú ý đến chế độ ăn hằng ngày của mình để xác định xem thực phẩm nào đóng vai trò chính.

Có rất nhiều yếu tố khác làm triệu chứng nặng lên (nhưng không phải là yếu tố khởi phát chính). Những điều sau đây có thể có ích cho bạn, nhưng cũng có ít bằng chứng trong việc cho thấy chúng có hiệu quả trên tất cả mọi người.

  • Tránh mặc áo quần chặt (ví dụ như thắt lưng, mang giày chật,…), bởi vì mảng phù thường có xu hướng xảy ra những vị trí áp lực tại chỗ.
  • Thử giữ môi trường mát mẻ bởi vì chúng có xu hướng bùng phát ở những điều kiện ấm hơn. Đặc biệt giữ phòng ngủ thông thoáng, mát mẻ vào ban đêm.
  • Một số thứ khác bạn cần để ý đến khác như: rượu, tắm nước nóng, ánh nắng mặt trời gay gắt hoặc vấn đề xúc cảm của ban. Nếu như nghĩ chúng làm cho các triệu chứng trở nên xấu đi thì tốt hơn là tránh những thứ này.
  • Hãy gặp bác sĩ nếu như bạn nghĩ thuốc bạn đang uống làm nặng thêm tình trạng bạn đang gặp phải bởi vì có thể sẽ cần phải thay đổi trong sử dụng thuốc. Một số thuốc như apirin. Thuốc giảm đau, codein và ức chế men chuyển.

Thuốc steroid

Steroid giúp giảm viêm và có thể làm dịu cho mày đay. Tuy nhiên, thường không cần thiết điều trị bởi vì những tác dụng phụ nghiêm trọng của chúng nếu được sử dụng thường xuyên. Đôi  khi một liệu trình ngắn có thể được sử dụng cho những triệu chứng bùng phát nghiêm trọng.

Việc sử dụng kem corticosteroid thoa tại chỗ lên vùng da bị ảnh hưởng thường không có hiệu quả trong các trường hợp mày đay mạn và chúng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, làm cho chúng dễ bị nhiễm trùng hơn hoặc làm nặng thêm những nhiễm trùng đang có.

Các thuốc điều trị khác có thể sử dụng trong điều trị mày đay mạn như:

  • Đối kháng leukotrience
  • Chống trầm cảm ba vòng
  • Dapsone
  • Liệu pháp ánh sang
  • Thuốc kháng TNF alpha (v.d infliximab, adalimumab)
  • Globulin miễn dịch

Điều trị khác

Có những cách điều trị  khác có thể được bác sĩ chuyên khoa tư vấn để điều trị, ví dụ như:

  • Hạn chế những thực phẩm gây khởi phát bệnh
  • Thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như omalizumab, ciclosporin) ít khi được sử dụng vì những tác dụng phụ nghiêm trọng của chúng.
  • Nếu có sự hiện diện của H.pylori, loại bỏ chúng có thể sẽ có hiệu quả.
  • Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn trong việc sử dụng kỹ thuật thư giãn, châm cứu hoặc các vitamin B12, C, D, dầu cá hoặc chế độ ăn hạn chế các chất phụ gia và thực phẩm lên men trong việc giúp cải thiện triệu chứng bệnh.

Điều trị phù mạch liên quan

Kháng histamine thường giúp giảm phù mạch. Đôi khi, tiêm adrenaline và điều trị cấp cứu tại bệnh viện là cần thiết nếu như tình trạng ảnh hưởng đến họng và đường thở nhiều.

Diễn tiến và tiên lượng của mày đay mạn?

Mày đay mạn có xu hướng nổi và lặn thường xuyên. Có khi chúng xuất hiện trong phần lớn các ngày và sau đó biến mất một thời gian. Mức độ nặng của ban da và ngứa có thể thay đổi tùy từng người và có những thứ làm tình trạng xấu hơn thông thường như sức nóng, lạnh, thời gian hành kinh, stress và xúc cảm

  • Các triệu chứng có xu hướng biến mất hoàn toàn sau một vài tháng, nhưng cũng có thể là vài năm ở một  số người.
  • Có khoảng 15% các trường hợp vẫn còn bị mày đay ít nhất 2 tuần sau thời gian 2 năm sau khi chúng bắt đầu xuất hiện.
  • Có khoảng ½ trường hợp, các triệu chứng dẫn biến mất trong vòng 3-5 năm.
  • Có khoảng 1/5 trường hợp các triệu chứng xuất hiện dai dẳng và biến mất trên 10 năm

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu tham khảo:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here