Viêm da tiết bã (thuật ngữ tiếng anh là Seborrheic dermatitis) là căn nguyên gây ra gàu nhiều và thỉnh thoảng gây ban da thường gặp ở vùng mặt và thân trên. Nó còn có nhiều tên gọi khác như viêm da bã nhờn, viêm da dầu, viêm da tuyến nhờn, chàm tiết bã… Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh còn có những tên gọi đặc trưng như cứt trâu da đầu. Vấn đề này thường có xu hướng tái đi tái lại.
Nội dung chính của bài viết
Viêm da tiết bã là bệnh gì?
Viêm da vùng tiết bã nhờn
Viêm da tiết bã thuật ngữ tiếng anh là Seborrheic dermatitis. Như trong tên gọi của chúng, viêm da có nghĩa là tình trạng viêm xảy ra đối với da chúng ta, tiết bã có nghĩa là chúng ảnh hưởng đến những vùng tập trung nhiều những tuyến bã nhờn. Đây là những tuyến tiết của cơ thể giúp sản xuất chất dầu (bã nhờn) cho da chúng ta.
Những ai dễ bị viêm da tiết bã
Chúng thường xảy ra ở trẻ nhũ nhi, thanh thiếu niên, người lớn trẻ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào.
Có khoảng 1-3 % người lớn gặp phải vấn đề này và xu hướng gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Viêm da tiết bã tăng lên ở những người bị suy giảm miễn dịch, tỉ lệ ước tính khoảng 34-83% trường hợp.
Một số trẻ có những bệnh cảnh tương tự nhưng thường biến mất sau một vài tháng, được gọi và “cứt trâu da đầu” hay “cradle cap”. Tôi sẽ dành một bài riêng về chủ đề này sau, quý bạn đọc có thể follow để đón đọc thêm nhé!
Nguyên nhân gây viêm da tiết bã
Những nguyên nhân chính xác gây ra viêm da tiết bã chưa được biết hết. Người ta cho rằng có loài nấm men thuộc loài Malassezia có liên quan đến tình trạng này. Tuy nhiên, vấn đề này gây ra không chỉ đơn thuần bởi nhiễm trùng da mà còn có thể liên quan đến những tình trạng sức khỏe khác (và bệnh không có tính lây nhiễm).
Bình thường những sinh vật như nấm men malassezia sống trên bề mặt da ở những vùng tiết nhờn nhiều hầu hết mọi người và thường không gây hại gì. Nhưng có một số người lại có phản ứng với sự tăng sinh của loài này và gây ra tình trạng viêm da như vậy.
Những người đang có vấn đề về hệ thống miễn dịch như là những bệnh nhân HIV/AIDS và những người bị bệnh Parkinson sẽ có nhiều khả năng bị viêm da tiết bã nhiều hơn.
Ngoài ra, những căng thẳng về tâm lý, thay đổi về thời tiết và sử dụng một số thuốc (buspirone, chlorpromazine, cimetidine, griseofulvin, haloperidol, lithium, interferon alfa và methyldopa) cũng là yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển bệnh.
Những yếu tố thuận lợi để viêm da tiết bã dễ xuất hiện khác bao gồm: tiền sử gia đình có xu hướng bị viêm da tiết bã hoặc có người bị vảy nến, những người bị bệnh lý tâm thần kinh khác.
Lưu ý thêm: Ở bẩn không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này!
Triệu chứng viêm da tiết bã là gì?
Những vùng da có xu hướng bị ảnh hưởng là những vùng da tập trung nhiều tuyến bã nhờn và do đó, tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến những vùng da nhờn như:
• Da đầu.
• Trán.
• Vùng mặt (đặc biệt là xung quanh vùng lông mày và 2 bên cánh mũi)
• Ngực
• Nách
• Bẹn
Vùng sau tai và cả bên trong ống tai của chúng ta.
Những đặc trưng của bệnh
• Bùng phát vào mùa đông, cải thiện trong thời gian mùa hè hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
• Chủ yếu có cảm giác ngứa nhẹ
• Thường kết hợp với da vùng mặt giữa khô và đóng vảy dầu
• Đám vảy khu trú có giới hạn không rõ hoặc vảy gàu lan tỏa vùng da đầu
• Viêm bờ mi
• Mảng vảy da mỏng màu hồng-cá hồi ở rãnh 2 bên mặt
• Những đám bong vảy hình cánh hoa hoặc hình nhẫn tập trung ở đường chân tóc hoặc trước ngực
• Ban da dưới nách, bẹn hoặc các rãnh ở vùng sinh dục
• Viêm nang lông nông ở má và thân trên.
Mức độ nặng của viêm da tiết bã
Trong những trường hợp nhẹ
Gàu nhiều có thể xảy ra ở tất cả các trường hợp. Gàu là những vảy da nhỏ của da đầu mà thường xảy ra tình trạng viêm da tiết bã. Ngứa chân tóc (da đầu) có thể kèm theo, một số đám da bong vảy nhẹ cũng thường xuất hiện ở vùng mặt.
Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

Những trường hợp trung bình
Ban da có thể xuất hiện. Những ban da có hình dạng giống như những đám hình oval hoặc hình tròn có màu đỏ, bong vảy và da tăng đổ nhờn. Mỗi đám thường có kích thước khoảng vài centimet nhưng cũng có thể dao động khác nhau. Những vảy tiết màu nâu-vàng có thể hình thành trên bề mặt những đám này.
Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau của cơ thể và có thể gây ngứa, có cảm giác gờ nhẹ trên bề mặt da. Da đầu cũng có thể trở nên ngứa và/hoặc đau. Ở một số người xuất hiện ở ống tai ngoài và/hoặc cả lông mi.
Những trường hợp nặng
Tình trạng này có thể tiến triển nặng hơn và sau đó những ban đỏ có thể ảnh hưởng gần như vùng mặt, da đầu, cổ, nách, ngực và bẹn của người bệnh. Thông thường tình huống này thường gặp ở những người có vấn đề về hệ thống miễn dịch.
Bị viêm da tiết bã cần làm xét nghiệm gì?
Trong phần lớn các trường hợp, không cần làm thêm bất kỳ xét nghiệm nào khác để chẩn đoán nếu có những triệu chứng và ban da điển hình.
Biến chứng nặng của viêm da tiết bã?
Nhìn chung bệnh thường không gây những biến chứng nặng nề nào, những biến chứng có thể gặp phải như:
• Bội nhiễm vi khuẩn khác
• Viêm da tiết bã nặng hoặc đỏ da tiết bã toàn thân: thường hiếm xảy ra và chúng thường xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch hoặc suy tim nặng.
Điều trị viêm da tiết bã như thế nào?
Dầu gội kháng nấm trị gàu
Dầu gội kháng nấm có chứa những thành phần như ketoconazole dùng để điều trị da đầu, lông mày và những vùng có nhiều lông khác. Khi được sử dụng thì nấm sẽ bị tiêu diệt và da sẽ thường trở về bình thường trở lại.
Sử dụng 2-3 lần mỗi tuần (và sử dụng dầu gội thông thường trong những thời gian còn lại). Hãy để dầu gội lưu lại trên da của bạn khoảng 3-5 phút trước khi gội sạch chúng và làm theo những hướng dẫn trên tờ hướng dẫn sử dụng.
Những dầu gội trị gàu thông thường khác có chứa kẽm pyrithione hoặc sản phẩm nhựa than đá (coal tar) cũng có thể làm sạch gàu nếu như sử dụng thường xuyên.
Thuốc điều trị viêm da tiết bã
Kem kháng nấm
Kem kháng nấm có thể được sử dụng để điều trị những vùng khác. Thoa kem vào những vùng bị ảnh hưởng 1-2 lần mỗi ngày, tùy thuộc loại kem được chỉ định.
Thường mất khoảng 2-4 tuần để loại bỏ hoàn toàn gàu hoặc ban da. Hãy tiếp tục điều trị thêm một vài ngày sau khi hết gàu và ban.
Cùng xem thêm chủ đề:
- Nói tất cả về chăm sóc, điều trị mụn trứng cá
- Hỏi đáp về retinoids, retinols, retinaldehyde, tretinoin cùng bác sĩ!
Lotion dưỡng ẩm, làm mềm
Chất làm mềm vảy thỉnh thoảng cũng được khuyên sử dụng cho da đầu để làm mềm vảy gàu nếu như vảy da quá nặng. Sản phẩm này thường được sử dụng kèm thêm với dầu gội kháng nấm.
Bổ sung các sản phẩm dưỡng ẩm có hoạt tính kháng viêm, làm dịu da vào liệu trình cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng, hạn chế bùng phát tình trạng bệnh. Tạm ngừng các sản phẩm gây bong tróc da hoặc các thành phần hoạt tính mạnh.
Bạn cũng nên tránh sử dụng xà phòng hoặc kem cạo râu trên mặt của bạn bởi vì chúng có thể làm kích thích da thêm nữa, sử dụng những sản phẩm rửa mặt nhẹ dịu, có thể bổ sung hoạt tính dưỡng ẩm không chứa dầu. Những sản phẩm mỹ phẩm có chứa alcohol cũng nên tránh sử dụng.
Thuốc kháng viêm
Kem và/hoặc dạng lotion cho da đầu có chứa steroid nhẹ thường được khuyên dung mỗi ngày trong vòng một tuần hoặc phối hợp vơi kem hoặc dầu gội trị nấm. Thường sử dụng khi da hoặ da đầu trở nên viêm khô nhiều.
Kem và lotion có chứa steroid làm giảm viêm, do đó cũng làm giảm đỏ da và kích ứng da hơn. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng kem, dầu hoặc lotion có chứa steroid trong một thời gian dài bởi vì những tác dụng phụ của chúng có thể xảy ra.
Hãy đến gặp bác sĩ da liễu nếu như tình trạng viêm không cải thiện trong vòng 1 tuần hoặc sau đó.
Kem Pimecrolimus hoặc dầu tacrolimus có thể cũng thường được chỉ định khi mà viêm da nặng.
Thuốc uống và liệu pháp bổ trợ
Thuốc uống kháng nấm có thể cần được sử dụng đến nếu như tình trạng ảnh hưởng lên nhiều vùng da hoặc không bị loại bỏ khi được điều trị với kem kháng nấm.
Liệu pháp ánh sáng với tia UV B cũng thỉnh thoảng được sử dụng ở một số trường hợp nặng.
Ngăn ngừa viêm da tiết bã như thế nào?
Vấn đề thường sẽ tự khỏi nếu như kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ đã nêu. Tuy nhiên, dầu (bã nhờn) là nơi thích hợp tự nhiên cho những sinh vật như nấm men và một số khuẩn chí da sinh sống và trong nhiều trường hợp, chúng bắt đầu dần tăng trở lại sau khi ngừng điều trị.
Và do vậy, viêm da tiết bã lại quay trở lại trong vòng một vài tuần hoặc vài tháng sau khi điều trị kết thúc. Và lần nữa bắt đầu một liệu trình điều trị mới từ đầu, tuy nhiên nếu như bạn gặp phải vấn đề này quá thường xuyên thì hãy cân nhắc việc điều trị dự phòng chúng.
Đối với da đầu
Sử dụng dầu gội kháng nấm như là những sản phẩm có chứa ketoconazole mỗi lần trong 1-2 tuần. Nhớ là lưu lại trên da đầu trong vòng 3-5 phút trước khi gội sạch chúng và sử dụng dầu gội thông thường vào những ngày còn lại.
Đối với những vùng khác:
Rửa sạch mỗi ngày với sản phẩm làm sạch nhẹ dịu và nước để giúp loại bỏ đi chất nhờn ra khỏi cơ thể. Điều này có thể giúp giữ ổn định số lượng loài nấm và các chủng sinh vật da cân bằng.
Kết hợp với sử dụng dầu gội kháng nấm mỗi 1-2 tuần và có thể thoa tắm dầu gội lên cả vùng da đầu cũng như toàn thân. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu để tìm phương án tối ưu nhất cho mình.
Bên cạnh đó, không thể nào không nhắc đến việc cân bằng các yếu tố ảnh hưởng như stress, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học. Tránh tiếp xúc với những môi trường khô lạnh, ô nhiễm hay các thao tác chà xát, cạy gỡ. Duy trì chế độ chăm sóc da đều đặn, phù hợp với tuýp da xu hướng nhạy cảm ở những người bị viêm da tiết bã bạn nhé!
Tôi là ai? mời bạn đọc ghé thăm tại giới thiệu tác giả
Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!


Nguồn tài liệu tham khảo
• Seborrhoeic dermatitis, Dr Mary Harding, http://patient.info/health/seborrhoeic-dermatitis-leaflet
• Seborrhoeic dermatitis, A/Prof Amanda Oakley, Dermatologist, Hamilton, New Zealand, 1997. Updated July 2014, http://www.dermnetnz.org/topics/seborrhoeic-dermatitis/
• Seborrhoeic dermatitis; British Association of Dermatologists’ Patient Information update February 2015. http://www.bad.org.uk/