Những lưu ý về chăm sóc da người Á Đông

0
754

Màu sắc da khác nhau bởi số lượng và sự phân bố của melanin (hạt sắc tố) ở lớp thượng bì. Mặc dù không có sự khác biệt về mật độ melanocyte (tế bào sắc tố) giữa các nhóm chủng tộc khác nhau, các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng người da đen có kích thước tế bào melanocyte lớn hơn, sản xuất ra nhiều melanin và melanosome hơn và sau đó được phân bố đến từng tế bào sừng (keratinocytes)1. Điều này cho phép hấp thu và tán xạ tia cực tím một cách hiệu quả hơn.

Do sự khác biệt về nét văn hóa và tính di truyền nên da liễu thẩm mỹ ở Châu Á thường khác với các nhóm chủng tộc da màu khác. Phụ nữ ở các nước Viễn Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore,… khi có nước da sáng màu thì hầu như được xem là làn da đẹp. Các phụ nữ Châu Á tìm mọi cách để tránh nắng tối đa để có được làn da sáng màu hơn. Các thói quen và hành vi đó được phản ánh bằng tỉ lệ mắc các ung thư da không hắc tố (không phải u hắc tố) giữa người Nhật ở Hawaii so với người Nhật sống ở Nhật khác biệt đến 45 lần. Việc sử dụng các sản phẩm chống nắng, chất chống oxy hóa, chất làm trắng da, tiêu sừng (ví dụ như các dạng của alpha-hydroxy acid) là một phần không thể thiếu được trong bất kỳ liệu trình chăm sóc da nào.

Biểu hiện lâm sàng của lão hóa da do ánh sáng có sự khác nhau giữa người Châu Á và chủng tộc da trắng  như  sự thay đổi màu sắc da có xu hướng xảy ra với tỉ lệ cao hơn so với quá trình xuất hiện nếp nhăn ở người Châu Á2,3. Chung và cộng sự4 gần đây đã phát hiện ra rằng cả sự thay đổi màu sắc và nếp nhăn đều là đặc điểm chính của lão hóa da do ánh sáng ở người Châu Á. Tuy nhiên, nếp nhăn mức độ trung bình đến nặng thường chỉ thấy rõ vào khoảng 50 tuổi, muộn hơn một đến hai thập kỷ so với người da trắng ở độ tuổi tương ứng5.

Một số tình trạng rối loạn sắc tố mắc phải thường đặc biệt thấy ở người Châu Á. Đồi mồi và dày sừng tiết bã là dấu hiệu thường gặp của lão hóa da do ánh sáng ở người Châu Á. Nám và dát Hori cũng đặc biệt phổ biến ở phụ nữ Châu Á. Sử dụng laser hoặc IPL thích hợp kết hợp với các sản phẩm làm trắng tại chỗ có thể cải thiện đáng kể tình trạng này.

Laser hoặc IPL trong điều trị rối loạn sắc tố không phải không có nguy cơ do thực tế ở người Châu Á có hàm lượng melanin trong lớp thượng bì cao hơn, do đó có thể dẫn tới làm gia tăng nguy cơ tăng sắc tố sau viêm (PIH). Ngoài ra, bởi vì melanin thượng bì hoạt động như một chromophobe (thể bắt màu) cạnh tranh do đó năng lượng của ánh sáng để tới được mạch máu hoặc melanocyte của nang lông đích trong điều trị bị giảm đi và có lẽ cần điều chỉnh thiết bị mật độ năng lượng cao hơn để  đạt được hiệu quả mong muốn. Bên việc tránh và bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời trước và sau khi điều trị laser/IPL thì các thuốc làm trắng da thoa tại chỗ rất quan trọng trong điều trị hỗ trợ. Việc sử dụng thích hợp các thông số của laser/ IPL cũng quan trọng gồm có sử dụng máy làm lạnh, độ rộng xung laser lớn hơn để bảo vệ thượng bì, và bước sóng laser/nguồn ánh sáng dài hơn để giảm sự hấp thu cạnh tranh của các melanin lớp thượng bì6. Tất cả các biện pháp này có thể làm tăng hiệu quả về lâm sàng cũng như làm giảm tác dụng phụ của việc điều trị bằng laser/IPL.

Một sự khác biệt về tính di truyền quan trọng khác là tỉ lệ của ung thư tế bào hắc tố (melanoma) của người Châu Á thấp hơn đáng kể so với người da trắng. Tỉ lệ mắc melanoma đã được báo cáo vào khoảng từ 0.2 đến 2.2 trên 100 000 dân Châu Á. Từ một nghiên cứu ở Singapore, tỉ lệ mắc melanoma được báo cáo là 0.2 trên 100 000 người Ấn Độ da sậm màu và 0.5 trên 100 000 người Trung Quốc da sáng màu. Ở Hong kong, tỉ lệ mắc melanoma là 1.1 trên 100 000 phụ nữ và 1.0 trên 100 000 nam giới8. Người Nhật có tỉ lệ mắc melanoma gấp đôi (2.2 trên 100 000) so với các chủng tộc Châu Á khác9. Bên cạnh tỉ lệ mắc melanoma thấp hơn rất nhiều thì sự phân bố melanoma cũng khác. Ở người da màu, vị trí phổ biến nhất phát triển ung thư tế bào hắc tố là ở vùng không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, như là lòng bàn tay, lòng bàn chân, dưới móng và niêm mạc. Trong một nghiên cứu gồm 43 trường hợp bệnh nhân người Trung Quốc mắc melanoma tại trường đại học Hong Kong từ năm 1964 đến 1982, 56% khối u phát triển từ bàn chân, trong đó 83% ở mặt gan bàn chân. Một nghiên cứu từ Nhật Bản cũng nêu rằng bàn chân là vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 50% là ung thư hắc tố thể lentiginou đầu chi (acral lentiginous melanoma type). Điều này gợi ý rằng việc sử dụng laser trong điều trị thương tổn sắc tố như là nốt ruồi có thể được cân nhắc một cách an toàn với điều kiện bệnh nhân không có tiền sử cá nhân hay gia đình mắc melanoma và các thương tổn sắc tố không nằm ở vùng đầu chi (11) và tất cả các bệnh nhân đó phải được đánh giá trước bởi bác sĩ da liễu.

Bên cạnh việc là giảm sắc tố, cải thiện cấu trúc da, kích thước lỗ chân lông, đỏ mặt là những yêu cầu phổ biến của bệnh nhân bị lão hóa da do ánh sáng mức độ vừa. Việc sử dụng trẻ hóa da không xâm lấn được áp dụng cho người Châu Á có nếp nhăn nông (hình 1). Những lợi ích khác bao gồm giảm thời gian nghỉ ngơi và giảm nguy cơ tác dụng phụ. Một cách tiếp cận việc kết hợp sử dụng nhiều thiết bị (với mục đích tối ưu hóa kết quả lâm sàng) đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Việc điều trị như vậy bao gồm sử dụng laser mạch máu – laser hồng ngoại và laser sắc tố hoặc IPL trong cùng một lần điều trị. Laser mạch máu/ IPL được sử dụng để làm giảm tình trạng đỏ da (gồm các tổn thương mạch máu nhỏ) và đồng thời cũng thúc đẩy quá trình hình thành collagen mới. Laser hồng ngoại làm nóng lớp bì và gây tổn thương collagen, dẫn đến hình thành collagen mới. Để bảo vệ lớp thượng bì, làm lạnh trong quá trình thực hiện là điều hết sức quan trọng ở người Châu Á.

Sự xuất hiện nếp nhăn muộn ở người Châu Á cũng có nghĩa là nhiều phương pháp mạnh trong trẻ hóa da như là laser tái tạo bề mặt,trẻ hóa da bằng plasma ( plasma skin rejuvenation – PSR) ( Rhytec, Inc., Waltham, MA), hoặc laser fractional xâm lấn ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên, những phương pháp này có thể hữu ích đối với những bệnh nhân có sẹo mụn hoặc người lớn tuổi16. Thông số điều trị sẹo mụn ở người Châu Á dựa trên nhiều yếu tố. Trong khi sử dụng các phương pháp mạnh có thể cho mức độ cải thiện tốt hơn, nhưng cần nhiều thời gian hồi phục  và gia tăng nguy cơ tăng sắc tố sau viêm. Do đó, với những bệnh nhân muốn hiệu quả điều trị cao và không quá lo lắng về nguy cơ tăng sắc tố sau viêm (ví dụ như nam giới trẻ tuổi bị sẹo mụn), chúng tôi điều trị với hai lượt PSR (4J/cm2). Theo kinh nghiệm của chúng tôi, PSR có thể cải thiện khoảng 30%-40% ( hình 2).

Hình 4: khuôn mặt vuông. (A) trước điều trị. (B) sau điều trị với 60 đơn vị Botox mỗi bên.

Ngoài ra, phương pháp tái tạo da với fractional năng lượng cao (Fraxel Restore, Reliant Technologies, Mountain View, CA) cũng có thể sử dụng (4 đợt điều trị mỗi tháng, 70mJ, mức điều trị từ 10 đến 11, và 8 pass), với nguy cơ tăng sắc tố sau viêm khoảng 10%. Bệnh nhân cần nhiều đợt điều trị có sưng nề kéo dài khoảng 2 đến 3 ngày và đỏ da kéo dài khoảng 7 ngày. Mức độ cải thiện tốt hơn so với PSR, vào khoảng 50%-75%. Đối với những phụ nữ muốn hạn chế nguy cơ tăng sắc tố sau viêm, mức độ điều trị giảm xuống 5 với mức năng lượng 50mJ nhưng cần điều trị nhiều đợt hơn (6 đến 10 đợt) (hình 3).

Những khía cạnh khác cần cân nhắc trong thực hành thẩm mỹ là sự khác biệt trong đặc điểm thể chất và nét đặc trưng về văn hóa. Mắt hẹp, mặt vuông, và chân ngắn, thô được coi là không đẹp. Sử dụng botulinum toxin type A có thể cải thiện đáng kể những đặc điểm này ( hình 4).

Cuối cùng, bên cạnh sự khác biệt về văn hóa và di truyền, sự khác biệt về địa lý cũng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đến. Những nước thuộc Bắc Á như Hàn Quốc, Bắc Trung Quốc và Nhật Bản có mức độ tiếp xúc với tia cực tím thấp hơn nhiều so với Hong Kong, Singapore hoặc California. Điều này cũng có tác động đáng kể lên kết quả điều trị. Sự khác biệt về văn hóa cũng là khía cạnh khác cần phải nhớ. Cho đến gần đây, các thủ thuật thẩm mỹ nhìn chung ít được chấp nhận hơn ở Châu Á. Sự gia tăng truyền thông về phẫu thuật thẩm mỹ đang thay đổi nhìn nhận của cộng đồng về quan niệm này, ít nhất ở một vài nước Châu Á. Dù vậy những xu hướng này vẫn tiếp tục duy trì đến hôm nay.

Người dịch: BS Nguyên Thanh, Ngọc Nhân

Bài viết gốc:

Henry Hin-Lee Chan, MD, FRCP, and Stephanie G.Y. Ho, MBBS, MRCP , Special Considerations in Asian/Far Eastern Skin, Cosmetic Dermatology for Skin of Color, pp169-172, ISBN: 978-0-07-164123-4

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here