Bạn có để ý đầu ngón tay, chân của mình trở nên nhăn nhúm sau khi ngâm nước, đổ mồ hôi nhiều, làm việc trong điều kiện ẩm ướt… Đa số ý kiến giải thích tình trạng này thông qua phản ứng nồng độ thẩm thấu tại chỗ. Tuy nhiên, gần một thế kỉ trước, các bác sĩ ngoại khoa đã quan sát thấy khi không có thần kinh chi phối (sau khi đã bị phẫu thuật cắt bỏ) thì đồng thời cũng không triệu chứng này xuất hiện. Và thực sự thì tình trạng này không phải là ngẫu nhiên mà có, da đáp ứng tăng hình thành các rãnh, nếp nhăn khi ở trong điều kiện ẩm ướt.
Nếu ngâm tay trong nước khoảng tầm 5 phút, đầu ngón tay nắt đầu nhăn lại. Hiện tượng này được chi phối qua đáp ứng thần kinh giao cảm. Một số chuyên gia còn đề nghị áp dụng hiện tượng này như một test đơn giản để đánh giá tính toàn vẹn của thần kinh chi phối cho tay. Da ướt kích thích đáp ứng co thắt mạch, phóng thích một số chất trung gian thần kinh và gây ra các nếp nhăn da. Khi đánh giá, phân tích kĩ hơn thì các nếp nhăn này tuân theo những quy luật nhất đinh, chúng đóng vai trò như các rãnh lưới hệ thống dẫn lưu cực kì tinh vi của cơ thể để giúp loại bỏ nước trên bề mặt một cách hiệu quả nhất.
Giả thuyết về hình ảnh “rãnh thoát nước mưa” trong tự nhiên (ví dụ như hiện tượng gộp vào của các nhánh sông, các nhánh cây trên một thân cây tương ứng với hệ mạch gỗ, mạch rây bên trong thân cây, rồi cho đến ứng dụng thiết kế các vân lốp xe ô tô…) phần nào giải thích khi da nhăn lại sẽ tạo ra các kênh dẫn nước tương tự giúp loại bỏ tốt nhất lượng nước đọng trên bề mặt da.
Có một điều là các nếp nhăn da tay nhìn chung bị đứt đoạn nhưng lại có xu hướng hội tụ chung vào chóp múp ngón tay. Hình thái sắp xếp này còn giúp đảm bảo tính phù hợp với áp lực tì đè của từng phân vùng trên đầu ngón tay (hình ảnh tương tự được thấy như phân bố cao độ và đặc điểm dốc thoải của ngọn núi, không có quá nhiều rãnh sông ngòi ở phía dốc đứng của núi). Bạn thử hình dung việc thiết kế các đế giày, lốp cao su với các rãnh cũng đều có mục đích là giảm thiểu các ma sát bề mặt, và khi áp lực tác động đến thì lại có xu hướng dẫn nước ra ngoài bề mặt nhanh nhất để tránh trơn trượt và điều này tương tự như lúc nãy giờ đã đề cập.
Vậy thì sao lại có mốc thời gian trung bình lại là khoảng 5 phút? con số này có lẽ phù hợp với đặc tính tự nhiên của một tình trạng ẩm ướt một bề mặt nào đó. Thời gian này đủ nhanh cho một cơn mưa, trận sương mù (đủ để cho da ngậm đầy ắp nước) nhưng lại không quá nhanh khi chỉ tiếp xúc nước thông thường thoáng qua (ví dụ như bạn để ý khi ăn một miếng dưa hấu mà lại làm cho da tay nhăn như vậy thì đúng là bất tiện). Tuy nhiên, ở những người có tình trạng giảm trương lực thần kinh, tiếp xúc dai dẳng với nước thông thường thì các nếp rãnh này có xu hướng hình thành cố định.
Theo như cây tiến hóa, gần như hệ thống dẫn nước trên da tay này được tạo hóa tinh chỉnh hoàn hảo hết mức. Trên đây là những điều mà các nghiên cứu về thần kinh, phân tích hiện có đem lại. Có thể những nghiên cứu về hành vi, nghiên cứu so sánh với các động vật có vú khác hoặc phân tích sâu hơn tương quan về các ngành khoa học khác có thể mang lại thêm nhiều bằng chứng, lí giải sâu sắc hơn nữa cho tình trạng này. Mình thì biết đến đây thôi, bạn nào có đam mê thì tìm hiểu tiếp nhé! ^^
Nguồn tài liệu: Brain Behav Evol 2011;77:286–290 DOI: 10.1159/000328223