Mặt nạ cốt chanh liệu có hiệu quả trong làm đẹp? trị thâm mụn?

0
2088

Những ngày hè như thế này thì những ly nước cam, chanh là thức uống khoái khẩu của nhiều người. Một số lựa chọn việc thức dậy mỗi buổi sáng với một ly nước ấm với vài lát chanh như cách thải độc cho cơ thể. Chanh có chứa nhiều vitamin C và acid citric – một chất chống oxi hóa tự nhiên kèm theo thành phần kích thích bong sừng da trong nhóm AHAs, bởi vậy nó đi vào khá nhiều các công thức bí mật được bật mí để mang lại hiệu quả trẻ đẹp, sáng da, chống lão hóa, giảm thâm, giảm mụn… Đơn cử có thể kể ra một số loại như mặt nạ mật ong chanh nha đam, mặt nạ chanh cà chua, chanh sữa tươi, chanh khoai tây, chanh trứng gà… và muôn vàn tuyệt kĩ pha trộn khác nữa. Bài viết này sẽ đề cập đến một số góc nhìn khoa học về tính hiệu quả và an toàn của những phương pháp này đến sức khỏe sắc đẹp.

Hãy cùng dành một chút thời gian để nhìn lại nồng độ của vitamin C và acid citric trong chanh. Các giá trị một số nghiên cứu ghi nhận nồng độ vitamin C trong chanh ở mức 44.5 mg/100mL nước cốt chanh hoặc 48 mg/100 g quả tươi. Trong nước cam vắt thì con số này dao động khoảng 33-50 mg/mL ở một số nghiên cứu. Trong khi đó, các bạn biết trong phần lớn trường hợp, để sản phẩm bôi tại chỗ vitamin C mang lại hoạt tính sinh học đáng kể thì phải cần nồng độ lớn hơn 8%. Nhưng khi nồng độ lớn hơn 20% sẽ không làm tăng hoạt tính sinh học và ngược lại có thể gây ra một số tình trạng kích ứng da. Do đó, những sản phẩm vitamin C đáng tin cậy hiện nay đều có nồng độ dao động trong khoảng 10-20%. Bây giờ hãy nhìn lại nồng độ vitamin C trong nước cốt chanh, nếu tính đơn giản thì cũng chỉ đạt ở mức 0.0445% và con số này quá sức thấp để gây ra hoạt tính sinh học lên da.

Acid citric đóng vai trò tương tự như các AHA (alpha hydroxy acid) trong các sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp. Đây là nhóm chất được ứng dụng nhiều trong điều trị trẻ hóa da, giảm các vết thâm, nám, trị mụn trứng cá và có vai trò kích thích collagen. Trong các sản phẩm này thường được bào chế với công thức hiệu chỉnh làm sao độ pH chỉ ở mức 4-6 mà không quá acid (con số này sẽ gần tương ứng với pH da) do đó hạn chế hiện tượng kích ứng, châm chích, bỏng rát cho da khi sử dụng. Khi thoa lên da, citric acid sẽ kích thích làm bong các tế bào ở lớp trên cùng, kích thích đổi mới tế bào, làm sáng da và giảm nếp nhăn. Tuy nhiên, để đạt được tác động này thì nồng độ của citric acid cần đạt tối thiểu là 20%. Trong khi đó nồng độ citric acid trong họ cam chanh dao động từ 0.005 mol/L đối với cam và 0.3 mol/L ở chanh (tương đương với 48 g/L). Con số này là quá thấp để có thể mang đến những hiệu quả kể đến nói trên.

Bạn thấy đấy, hiệu quả thực sự mang lại thì không quá rõ ràng, nếu không muốn nói là không có hiệu quả. Nhưng thực sự trong số các phương pháp chăm sóc da đang được hướng dẫn đó, có rất nhiều phương pháp đang trở thành mối họa cho làn da, khiến da trở nên bỏng rát, châm chích, hoặc thâm đen. Đặc biệt là các công thức sử dụng nước cốt chanh đậm đặc để dùng lên da. Chanh trở thành cái tên được nhắc đến đầu tiên trong các biểu hiện viêm da ánh sáng thực vật. Thậm chí nó còn được đặt cho một cái tên riêng là “margarita dermatitis”. Hay có nghĩa là viêm da do Margarita.

Margarita là loại cocktail được sử dụng phổ biến ở các nước phương Tây. Loại cocktail này là sự kết hợp giữa rượu Tequila với Triple Sec hoặc Cointreau hay bất cứ loại rượu nào có hương cam nào khác cùng với nước chanh tươi. Tỷ lệ phối rất đa dạng: 2-1-1; 3-2-1 (tỷ lệ phổ biến nhất); 3-1-1; 1-1-1. Người Batender sẽ dùng chanh để làm ướt viền ly, sau đó, nhúng vào muối khô để muối dính vào. Thức uống được mô tả với chút cay nồng của rượu Tequila hòa quyện với vị mặn của muối nhưng người ta lại vẫn cảm nhận được hương vị riêng của từng thành phần, hương cam trong rượu Triple Sec cứ quanh quẩn nơi đầu lưỡi lại gặp chút chua chua của nước chanh. Khi người thưởng thức còn chìm đắm trong hương vị tuyệt vời này, tưởng tượng một thế giới mong manh, dễ vỡ như một cô công chúa từ các câu truyện cổ tích. Tạm dừng lại ở đây và quay về với tình trạng viêm da ánh sáng thực vật gây ra do nước chanh.

Hình ảnh viêm da thực vật ánh sáng sau tiếp xúc với chanh

Phản ứng gây ra thường thấy tương tự như bỏng nắng, hoặc phát ban do các trường hợp viêm da tiếp xúc khác với nền đỏ da, mụn nước, đôi khi đi kèm cảm giác rát bỏng, châm chích và tổn thương này sau khi lành để lại các vết màu thâm đen sau đó. Thường thì bệnh xuất hiện một cách đột ngột, đa số trong khoảng 24 giờ sau khi tiếp xúc và đạt đỉnh 48-72 giờ. Đôi khi chỉ sau một đêm ngủ là thấy rất nhiều tổn thương lạ lẫm trên da như kiểu vậy. Với tình trạng cấp tính thì triệu chứng thường dịu xuống sau vài ngày, tuy nhiên tổn thương tăng sắc tố để lại đôi khi lại là nỗi phiền toái kéo dài vài tháng, thậm chí lên đến vài năm gây ảnh hưởng nhiều đến người gặp phải. Nguyên nhân gây ra tình trạng này liên quan đến các chất nhạy cảm ánh sáng tiếp xúc lên da dưới xúc tác ánh nắng mặt trời.

Thành phần gây nhạy cảm trong thực vật họ cam quýt (gia đình Rutaceae nói chung) có thể kể đến như các furanocoumarin (2 loại chính là những đồng phân của psoralen như bergapten và methoxsalen). Những chất này được hoạt hóa bởi tia tử ngoại UVA phổ bước sóng dài. Và chúng có thể đến từ nước cốt, chà xát với vỏ, tinh dầu chanh bưởi hoặc một số thành phần hương chanh bưởi. Bạn có biết rằng trong tinh dầu cam thơm Bergamot có chứa lượng bergapten khoảng 3000-3600 mg/kg. Hiện tượng này còn xảy ra đối với một số họ thực vật khác như họ cà rốt (apiaceae), họ cây dâu tằm (Moraceae), cây họ đậu (Fabaceae)..

Nhiệt nóng, độ ẩm cao thường có xu hướng làm nặng thêm tình trạng bệnh. Nhưng 2 yếu tố cốt lõi gây nên tình trạng bệnh bao gồm các chất nhạy cảm ánh sáng tiếp xúc lên da và da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Hay nói cách khác là bệnh chỉ xảy ra sau khi tiếp xúc với cả thực vật lẫn ánh sáng. Và những ai lỡ vô tình tiếp xúc với yếu tố ở trên thì có thể phòng ngừa bằng cách loại bỏ các chất kích thích đó khỏi da với nước sạch hoặc đủ thời gian cho chúng hấp thu vào da trước khi chúng được hoạt hóa bởi UVA (mất khoảng 30 đến 120 phút). Phòng ngừa là cách tốt nhất để tránh khỏi những tình huống này. Đặc biệt là sau khi chế biến các loại thực vật có khả năng gây nhạy cảm da đã kể trên, các loại cỏ dại. Nếu lỡ tiếp xúc thì cần rửa sạch. Tránh nắng tối đa. Các bạn đọc cũng cần lưu ý là không phải loại chống nắng nào cũng có tác dụng bảo vệ khỏi tác động UVA, đôi khi một số sản phẩm chỉ có tác dụng bảo vệ với UVB.

Trên đây cũng là những thông tin mà các bạn đọc đang có dự định thực hiện các phương pháp “trị liệu” bằng các loại mặt nạ cam chanh cần lưu tâm đến. Hãy đến gặp bác sĩ da liễu uy tín để được thăm khám, đánh giá và tư vấn về cách lựa chọn sản phẩm, phương án điều trị thích hợp khác nhau. Hiện có rất nhiều các sản phẩm đã phân tách, tinh chế, bào chế với độ ổn định, an toàn và hiệu quả cao hơn rất nhiều theo như những gì đã được đề cập ở trên. Khi không làm da cải thiện tốt thì cũng được nó tệ đi các bạn ạ!

Hoặc nếu như bạn quá thực sự bị mê hoặc bởi sự huyền bí của các công thức bí truyền từ cộng đồng mạng ấy thì hãy nhớ đừng bao giờ sử dụng nồng độ nước cốt chanh đậm đặc để điều trị. Ví dụ như việc thêm vào 1 hoặc 2 giọt nước cốt chanh trong dung dịch một vài lít nước mát có thể giúp làm the mát nhẹ, tác động làm se, sạch sẽ cho da mặt hơn một chút ít. Thời điểm tốt nhất để thử nghiệm là vào buổi tối, trước lúc đi ngủ.  Luôn phải theo dõi kĩ sau khi sử dụng, tránh nắng kĩ bằng phương pháp cơ học lẫn kem chống nắng phổ rộng đi kèm.

BS Trần Ngọc Nhân

Tài liệu tham khảo

  • Ascorbic Acid Determination in Commercial Fruit Juice Samples by Cyclic Voltammetry, Aurelia Magdalena Pisoschi,1  et al, Journal of Automated Methods and Management in Chemistry, Volume 2008, Article ID 937651, 8 page. http://dx.doi.org/10.1155/2008/937651
  • Dual Effects of Alpha-Hydroxy Acids on the Skin, Sheau-Chung Tang1,2 and Jen-Hung Yang, Molecules. 2018 Apr; 23(4): 863.
  • Lime-induced phytophotodermatitis; Andrew Hankinson, MD, J Community Hosp Intern Med Perspect. 2014; 4(4): 10.3402/jchimp.v4.25090.
  • Phytophotodermatitis: Rash with many faces, Jamie Harshman, MD CCFP; Can Fam Physician. 2017 Dec; 63(12): 938–940.
  • Quantitative Assessment of Citric Acid in Lemon Juice, Lime Juice, and Commercially-Available Fruit Juice Products, KRISTINA L. PENNISTON, M.D. et al, J Endourol. Author manuscript; available in PMC 2009 Feb 9.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here