Những lầm tưởng về mặt nạ giấy! Liệu có nên sử dụng?

0
1044

Chắc có lẽ bạn đọc cũng từng nghe qua câu chuyện về nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng với làn da tuyệt đẹp trong truyền thuyết. Thú vị là những ghi chép lý giải cổ cho rằng lý giả về làn da ngọc ngà đó có liên quan đến việc nàng biết đắp mặt nạ đều đặn bằng sữa chua. Thực ra chắc có lẽ thời bấy giờ, bà ấy cũng không biết rằng mình đang sử dụng công thức có chứa acid lactic – là một dạng alpha hydroxyl acid để tẩy da chết, đồng thời cải thiện các vết sắc tố sậm màu xấu xí trên da. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ánh sáng khoa học mọi thứ đã dần trở nên sáng tỏ hơn hẳn. Bài viết này sẽ dành riêng để đề cập đến một thói quen sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hằng ngày của mọi người – đó là mặt nạ giấy.

Mặt nạ (masks) ngày nay được thiết kế để điều trị nhiều vấn đề da, từ da khô đến da mụn với công thức chứa ít nước hơn dạng kem, lotion và dung dịch. Có 4 loại mặt nạ cơ bản như mặt nạ nền sáp (wax based), mặt nạ nền cao su hoặc polymer (rubber based), mặt nạ hydrocolloid, mặt nạ nền đất sét hoặc bùn khoáng (earth-based). Mặt nạ giấy là dạng biến thể sử dụng chất nền là sợi vải hoặc sợi cấu trúc khác nhau được thiết kế sẵn theo trường phái của các nước Á Đông. Mỗi loại được thiết kế thích hợp dành cho những tình trạng da và mục đích nào đó chuyên biệt. Nếu chỉ xét về tính tiện dụng thì so với mặt nạ dạng hũ, kem bôi thì mặt nạ giấy là thiết kế mang tính tiện lợi cao để đưa các chất lên da (ít nguy cơ nhiễm khuẩn do mở bao và sử dụng mỗi lần riêng biệt, không cần rửa lại với nước sau khi sử dụng, không mất thời gian tán đều sản phẩm hoặc cân chỉnh lượng thoa cho phù hợp mỗi lần, có thể mang theo đi du lịch mà không phải đèo bồng những chai hũ lỉnh kỉnh khác…).

Tuy nhiên, cho đến nay với những dữ liệu hiện có thì có thể nói rằng mặt nạ giấy không có giá trị y học gì đáng kể. Thậm chí các mặt nạ được thiết kế ngậm nước sẵn như vậy còn làm tăng tốc độ thoái giáng và biến tính của một số thành phần không ổn định như ascorbic acid và các chất chống oxi hóa khác trong pha nước. Ngay cả tác động làm giảm thoát hơi nước qua da cũng không có khác biệt lớn giữa việc sử dụng mặt nạ giấy và các dạng dưỡng ẩm thông thường khác, có chăng thì đến từ tác động tạo màng film bít ẩm tạm thời ngay sau khi sử dụng.

Hình ảnh minh họa

Vậy câu hỏi đặt ra là nếu thật như vậy thì vì sao nó lại được phổ biến rộng rãi đến vậy?

Câu trả lời đưa ra có lẽ là liên quan đến các đặc tính thẩm mỹ và hiệu quả cải thiện bề mặt tạm thời mà chúng mang lại. Mặt nạ được thiết kế gồm có các lớp vải giấy bện lại tương tự như lớp lót bên trong tả trẻ em, sau đó được thấm các dung dịch đủ loại khác nhau và đóng gói trong túi ni lông chống thấm kín. Chất liệu sợi vải được làm mặt nạ cũng rất đa dạng đi từ loại sợi không bện, dạng pulp, hydrogel, sợi xơ sinh học (cellulose), giấy bạc, giấy len, siêu cấu trúc trùng hợp, mặt nạ tĩnh điện… Các dung dịch được đưa vào loại mặt nạ này có thể là những chất dưỡng ẩm, chống lão hóa hoặc tinh chất làm sáng da.

Phần lớn mặt nạ được thiết kế đánh vào mục đích dưỡng ẩm cho da và đặc tính của nó cũng chứa những chất tương tự trong các loại serum lỏng khác. Sau khi xé bỏ bao bì, mặt nạ được đắp lên mặt chừa lại mắt, miệng và mũi. Thời gian đắp tùy vào dòng mặt nạ mà có thể dao động khoảng 5-30 phút, hoặc thậm chí là cả ngày nếu như mặt nạ được thiết kế cho mục đích trang trí một cách tỉ mỉ. Một số khác thì được thiết kế đặc biệt dành cho những buổi dạ tiệc. Mặt nạ có thể giúp làm giảm hiện tượng thoát hơi nước qua da một chút và cho phép các thành phần dưỡng ẩm lưu lại tạo thành một màng film mỏng trên da mặt. Nhiều loại mặt nạ có chứa các polymer giúp tạo nên đặc tính tạo màng film mềm mượt, cảm giác da sau khi đắp cũng rất căng mịn. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thật sự là những tác động này chỉ mang lại tính cảm quan thích thú cho người dùng chứ không tác động đáng kể đến cấu trúc da bên dưới. Do vậy mà hiệu ứng nó mang lại thường ngắn, nhưng đôi khi chỉ vậy thôi cũng đủ để lôi cuốn người dùng và được sử dụng để đẩy mạnh quảng cáo, marketing.

Hình ảnh minh họa

Một số hãng xây dựng các công thức đặc biệt cho sản phẩm như việc thêm vào những thành phần quý hiếm như trứng cá muối (caviar), phân tử vàng, hoặc tế bào gốc. Lấy ví dụ về phân tử vàng, đây là chất mang (chất vận chuyển) được ứng dụng trong một số vaccine và phương thức dẫn thuốc vào da và được quảng cáo với hiệu quả cải thiện tuần hoàn, độ đàn hồi của da, trẻ hóa da. Nhưng thực sự thì những thành phần như vậy chỉ mang tính chất gây thu hút, tạo thương hiệu là chính, bên cạnh lợi ích cốt lõi nhất của sản phẩm vẫn chỉ là tạo nên màng film dưỡng ẩm lưu lại trên da. Các cấu trúc đó không gây ra thay đổi nào đáng kể về tính thấm của các thành phần hoạt tính cả. Mặt nạ cũng có thể được gia giảm thêm nhiều hương liệu khác nhau nhằm đem lại mục đích hiệu quả trị liệu bằng tinh dầu thơm và tạo cảm giác khoan khoái, thư giãn cho khách hàng. Và nếu như bạn có cơ địa dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó thì đều có thể gặp phải tình trạng dị ứng, kích ứng khi sử dụng.

Tùy theo các đặc tính khác nhau của sản phẩm mà giá bán cũng rất dao động, những loại thấp nhất cũng khoảng 10-20 ngàn cho đến những loại có giá khoảng 1 triệu đồng. Điều này tùy thuộc vào thương hiệu sản phẩm, cũng như những chất được đưa vào thêm bên trong dung dịch tẩm lên mặt nạ. Thực sự thì chi phí chi trả cho việc sử dụng mỗi tuần 3-4 chiếc mặt nạ như thế cũng ngốn khá nhiều hầu bao của bạn trong khi hiệu quả của nó mang lại thì không thực sự có quá nhiều. Nếu có nhiều thời gian dành cho khâu chăm sóc da thì việc lựa chọn những công thức mặt nạ kinh điển hoặc đặc tính mặt nạ chưa được làm ướt sẵn trước đó lại có hiệu quả nhỉnh hơn chút ít. Hơn nữa, bạn cũng cần nhớ mặt nạ không là lựa chọn thay thế khâu dưỡng ẩm, chống oxi hóa hoặc là lựa chọn đơn độc để có thể mang lại làn da khỏe mạnh như một số “tín ngưỡng” về mặt nạ mà các bạn thường thấy trên các trang mạng. Da là một cấu trúc động, để có làn da khỏe mạnh thì bạn đọc cần nắm và hiểu về các đặc tính sinh lý cơ bản, các tác động mong muốn trong mỗi giai đoạn để xây dựng chế độ chăm sóc da cân bằng giữa các tác động làm sạch, dưỡng ẩm, bảo vệ và trị liệu hoàn hảo.

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu:

  • Textbook of Cosmetic Dermatology-CRC Press (2017), pp 180-181.
  • Anahita Fathi-Azarbayjani et al, Novel Vitamin and Gold-Loaded Nanofiber Facial Mask for Topical Delivery; AAPS PharmSciTech. 2010 Sep; 11(3): 1164–1170.
  • M. V. R. Velasco et al, Short-term clinical of peel-off facial mask moisturizers; International Journal of Cosmetic Science, 2014, 36, 355–360.
  • Thanaporn Amnuaikit et al, Effects of a cellulose mask synthesized by a bacterium on facial skin characteristics and user satisfaction; Med Devices (Auckl). 2011; 4: 77–81.
  • Yeom G1 et al, Clinical efficacy of facial masks containing yoghurt and Opuntia humifusa Raf. (F-YOP); J Cosmet Sci. 2011 Sep-Oct;62(5):505-14.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here