Hiệu quả của “thảo dược” trị mụn đến đâu?

0
1159

Ước tính có khoảng 250,000-500,000 loại thực vật khác nhau trên trái đất và thật tuyệt nếu như mỗi loại trong chúng đều có thể trở thành phương pháp trị liệu cho con người. Với lịch sử lâu đời, nhiều loại thảo dược cho thấy có vai trò đáng kể trong nhiều bệnh lý như cảm thường, nhiễm trùng cho đến việc ứng dụng hỗ trợ trong dự phòng, điều trị các bệnh lý khó chữa như ung thư, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch… Chính vì vậy không có lý do gì, mụn trứng cá lại có thể bị thiếu đi sự hỗ trợ này. Chủ đề này sẽ không hướng dẫn bạn đọc cách đắp dưa chuột như thế nào, cách thái lát lô hội để sử dụng ra sao mà chỉ đề cập đến các loại “thảo dược” hoặc các sản phẩm thiên nhiên dựa trên phân tích thành phần hoạt tính chính mà y học hiện nay xác định được.

Điều trị mụn chủ yếu tập trung vào các yếu tố, nguyên nhân chính hình thành nên mụn. Nhiều loại thực vật có tác động ức chế vi khuẩn, vi nấm, virus cũng như kháng viêm, giảm nhờn, kháng androgen.

Nhiều loại thực vật có tác động ức chế vi khẩn, vi nấm, virus cũng như kháng viêm, giảm nhờn, kháng androgen. Các tinh dầu thảo dược có chứa các monoterpene như alpha-pinene, terpinen-4-ol, linalyl acetate, và alpha-terpinyl acetate cho thấy hoạt tính kháng khuẩn. Các flavonoid như s 2′,6′-dihydroxy-3′-methyl-4′-methoxydihydrochalcone, eucalyptin, và 8-desmethyl-eucalyptin có tác động ức chế vi khuẩn sinh mụn. Các alkaloids, harmine và berberine cũng có hoạt tính kháng khuẩn mạnh. Những thảo dược có alkaloid có chứa gốc phenol tự do như jatrorrhizine và magnoflorine có hoạt tính chống oxi hóa cao hơn những loại mà vị trí khung hydrocarbon vị trí này chỉ là gốc hydro. Các thảo dược chứa các gốc phenol như honokiol và magnolol có tác dụng kháng khuẩn. Ngoài ra, các chiết xuất giàu polyphenol có thể mang hoạt tính kháng androgen. Abietane diterpene, 2βacetoxyferruginol, and Ent-kaurene diterpenoids có hoạt tính kháng khuẩn trong khi các e kaurenoic acid và continentalic acid, và hai diterpene acids mang trong mình hoạt tính kháng viêm. Dẫn xuất bisnaphthquione ức chế e testosterone 5- alpha-reductase đáng kể. Mangostin là một dẫn xuất thuộc nhóm xanthone có hoạt tính kháng khuẩn. Xanthohumol và lupulones ức chế 3 chủng P. acnes, S. epidermidis and S. aureus.

Trong đó phải kể đến cúc la mã, cúc tâm tư, họ yến mạch. Nhiều công thức dang kem, hoặc phối hợp các chất có tác động làm se, giảm nhờn nền lỏng như toner để làm dịu da sau bước rửa mặt, xông hơi. Cây hạt phỉ có tannin và một số thành phần trong vỏ cây thường được dùng trong điều trị mụn bởi vì đặc tính an toàn ở dạng bôi. Usnic acid là thành phần hoạt tính của cây địa y có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm và chống oxi hóa. Những thực vật khác có chứa tannin và các alkaloid như cây sồi trắng, lá cây óc chó, cây Agrimony, trâm vối/vối rừng, trà lục địa Labrador, cây chân thỏ, oải hương, thảo bản bông vàng, cây Rhatany, đại hoàng chưởng diệp, ban lỗ, sầu đâu, và dương đề nhăn. Một số loại thảo dược khác được sử dụng dạng thoa hoặc trà thanh lọc cơ thể như hoa cúc Bellis Perennis, hoa tím tam sắc, cúc gai đen lá hẹp, cúc gai hoa tím, cỏ băng, cỏ xước, gai dầu, bồ công anh. Cũng có một số sản phẩm được chiết xuất từ rễ cây nho Oregon, tràm trà, nấm men Saccharomyces và cây húng quế vì tính an toàn và hiệu quả của nó tương đương với một số loại thuốc bôi tổng hợp với những tình trạng nhẹ đến vừa. Cây trinh nữ được dùng trong mụn ở giai đoạn trước hành kinh.

Bạn có thể tham khảo các thành phần thiên nhiên thường gặp có hoạt tính trị mụn trong bảng dưới đây.

Thảo dược Phần được sử dụng, bào chế Thành phần hoạt tính Kết quả tác động
Nghệ Chiết xuất củ Alkaloid Kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa
Cây chè* (Camellia sinensis L.) Trà nóng, rượu ethanol 3% từ lá chè polyphenol, acid béo đa không bão hòa, carbohydrate có uronic acid Kháng viêm, ức chế men 5 α-reductase , kháng khuẩn
Nha đam barbadensis Bột và phức hợp chiết xuất Polysaccharide Chống oxy hóa, kháng viêm, kháng androgen, kháng khuẩn
Cây hoa cúc Anthemis aciphylla Tinh dầu từ lá, hoa và phần thân A-pinene (9–49%) and terpinen-4-ol (22–32%) Kháng khuẩn
Cây hoa ban Tây Bắc (Bauhinia variegate) Chiết xuất Gốc phenolic Chống oxy hóa, kháng khuẩn
Cây măng cụt (Garcinia mangostana) Ngâm rượu quả măng cụt Phenolic compound, tannin, flavonoid, và xanthone Chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm
Cây cam thảo (Glycyrrhiza glabra) Ngâm rượu phần thân rễ Dẫn xuất xanthone Kháng khuẩn
Mướp đắng (Momordica charantia) Chiết xuất hạt mướp đắng Alkaloids, carbohydrates, triterpenes, tannins, flavonoids, và proteins Kháng khuẩn
Húng quế (Ocimum basilicum L.), Dầu hoa Methyl chavicol và α-bergamotene Kháng khuẩn
Hương nhu tía (Ocimum sanctum L.) Dầu hoa Eugenol, γ-caryophyllene, và methyl eugenol Kháng khuẩn

Có thể, với những tình huống mụn thông thường ở mức độ nhẹ, vừa thì các loại thảo dược này có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với nhau trong liệu trình điều trị. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến tính nhạy cảm và khả năng nhạy cảm tiếp xúc khi sử dụng đường bôi hoặc uống.

Hình ảnh minh họa

Mỹ phẩm thiên nhiên/hữu cơ có an toàn hơn mỹ phẩm hóa học?

Hữu cơ và thiên nhiên không có nghĩa là không dị ứng, không sinh nhân mụn. Thuật ngữ “thiên nhiên”, “hữu cơ”, “đã được kiểm chứng”, “thảo dược” cũng hoàn toàn không đề cập đến tính hiệu quả nào cả. Lý do vì sao?

Khả năng gây kích ứng, dị ứng da: điều này có thể xuất phát từ bản thân “thảo dược” hoặc dung môi, tá dược của sản phẩm:

  • Một số chất gây kích ứng và viêm da: Tinh dầu như bạc hà, cây hương thảo, cúc la mã, tinh dầu tràm trà có thể gây dị ứng ở một số người (đặc biệt là những người có xu hướng dị ứng với cỏ phấn hương). Các loại dầu thực vật và hương liệu (ví dụ như Bergamot, balsam of Peru…) là những chất có hoạt tính dị ứng cực kỳ cao. Hoặc nó đến từ các loại hương liệu hỗn hợp sẽ được “lách luật” dưới dạng nhóm chất tạo màu hoặc chất gắn kết.
  • Phần lớn dung môi các sản phẩm “thuốc rượu” là cồn: Khi sử dụng thời gian dài có thể làm suy yếu các liên kết các lớp tế bào thượng bì da (đặc biệt trên nền da nhạy cảm), chưa kể những thành phần hoạt tính có nồng độ không ổn định, một số chất có khả năng gây phát ban da, dị ứng da. Và kết quả cuối cùng khiến cho da bị sưng tấy, ửng đỏ, bong tróc, dễ bắt nắng, sạm da, rối loạn sắc tố nặng nề.
  • Có nhiều “độc dược” được thêm vào: nhằm mục tiêu làm giảm phản ứng da đối với những thành phần kích thích bong da, dung môi cồn (ví dụ chiết xuất cỏ đuôi ngựa có chứa lượng salicylic acid cao tác dụng điều trị mụn) hoặc giúp giảm nhanh mụn viêm đỏ, sưng tấy. Điều đặc biệt là chúng thường không phải là thảo dược, ví dụ như một số thành phần có gốc corticoid hoặc các chất giảm viêm NSAID khác có thể gây ra vô số tác dụng phụ nặng nề trên da khi dùng kéo dài.

Sử dụng không đúng cách: Một số thảo dược có thể tốt khi sử dụng dạng bôi nhưng lại gây độc khi uống. Ví dụ như tinh dầu tràm trà (đường uống) nếu có thể gây độc tính nặng, thảo dược cỏ thơm khi dùng đường uống có thể gây bỏng rộp niêm mạc miệng và tiêu hóa.

Dễ biến tính: Các sản phẩm dung dịch thảo dược có công thức dạng lỏng có thời gian bảo quản ngắn, rất dễ biến tính. Nếu sản xuất không đảm bảo vô khuẩn sẽ dễ tạp nhiễm, gây ra mụn và nhiễm trùng sau đó.

Có khả năng gây độc trên thai kỳ hoặc phụ nữ cho con bú: Nhiều cây cỏ, thảo dược chứa trong mình các thành phần hoạt tính kháng androgen, tác động đến hormone trong cơ thể như chiết xuất cây trinh nữ, xuyên tâm liên, ngũ trảo, cây bóng nước, một số loại hoa hồng… Những sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến thai kì, thậm chí là có thể gây sẩy thai nếu dùng không đúng cách. Trừ khi được các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm hướng dẫn còn không thì bạn nên tránh xa các sản phẩm như vậy.

Quy chuẩn, nguồn gốc không rõ ràng: Xét đến quy định về dán nhãn mác và chứng nhận ở nước ta thì cho đến nay vẫn chưa có một ban hành đánh giá cụ thể nào. Chính vì thế, các loại sản phẩm tự chế, tự biên tự diễn hiện có với các nhãn mác quảng cáo 100% thiên nhiên, hữu cơ trôi nổi trên thị trường đều không có tính quy chuẩn nào.

Có lẽ vẫn tồn tại ở đâu đó cơ sở thực sự có những bài thuốc gia truyền và áp dụng bằng chứng y học rõ ràng. Nhưng thật khó để biết được đâu là thật, đâu là giả bởi người sản xuất không ghi thành phần, cũng không có cơ quan nào xử lý hoặc quy định việc sản xuất, đóng gói, kiểm định. Chính vì thế, bạn đọc cần cực kì thận trọng hơn với những thông tin như thế này hơn nữa.

Lời khuyên: Có thể nói “thuốc rượu”, “thảo dược” thực sự là một “thế giới mù” mà bạn nên cân nhắc thật kĩ một khi muốn “bước chân” vào nó.

  • Nếu xem xét đủ tin tưởng để áp dụng, chỉ nên sử dụng với những trường hợp mụn nhẹ, vừa với các sản phẩm uy tín (từ các bác sĩ chuyên khoa hoặc đơn vị y học cổ truyền uy tín hướng dẫn).
  • Chỉ nên sử dụng lượng nhỏ, tại điểm mụn đối với các tinh dầu, nước ép trực tiếp từ các thảo dược. Thận trọng khi đắp trực tiếp cây cỏ, thực vật lên da. Rửa ngay với nước sạch ngay khi thấy triệu chứng khó chịu tại vùng thoa.
  • Không sử dụng đối với những trường hợp da nhạy cảm, đang có các vết thương hở vùng mặt.
  • Đọc kĩ thành phần và nhãn mác trước khi lựa chọn mua sản phẩm. Không sử dụng sản phẩm không công bố thành phần, cơ sở sản xuất và các thông tin cơ bản của sản phẩm khác. Tránh những sản phẩm có mùi nồng, có chứa những thành phần mà bạn dễ dị ứng.
  • Tránh nắng kĩ trong quá trình sử dụng, đặc biệt với những người có tiền sử viêm da thực vật ánh sáng, dị ứng bụi cỏ, nhạy cảm ánh sáng…
  • Chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn, bảo quản nơi thoáng mát, theo dõi các hiện tượng đóng cặn lắng hoặc thay đổi màu sắc, mùi bất thường.
  • Không sử dụng nếu như bạn đang có kế hoạch mang thai, đang mang thai hoặc cho con bú trừ khi được bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm đồng thuận.
  • Ngưng sản phẩm và đi khám bác sĩ ngay khi có biểu hiện bất thường (đỏ da, hình thành mụn nước, bong da nhiều, ngứa, đau rát, rỉ dịch, bùng phát mụn viêm, mủ, phát ban da, sưng môi miệng hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác).

Khi dùng bất kỳ một sản phẩm nào đó trên người chúng ta cũng cần xây dựng trên nguyên tắc thận trọng cho đến khi có những đánh giá toàn diện về tất cả các thành phần của nó. Thấu hiểu các vấn đề của da, nắm được những kiến thức nền tảng thông thái sẽ cho phép bạn đọc lựa chọn được cách tiếp cận những phương án trị liệu, chăm sóc da an toàn, hiệu quả, kinh tế nhất.

BS Trần Ngọc Nhân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here