Yêu thương đến từ những cái chạm!

0
2053

Những cái chạm được ví như là một loại ngôn ngữ của tình yêu. Ngoài những giao tiếp bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng ánh mắt thì những cái chạm cũng mang đến nhiều thông điệp đặc biệt. Qua hàng tỉ các thụ thể thần kinh vô cùng tinh vi và bé nhỏ trên da, tạo hóa ban cho mỗi người khả năng cảm nhận đa dạng sắc thái và ý nghĩa của từng cái chạm tinh tế.

Một nụ hôn, một cái nắm tay hay một cái ôm ghì chỉ là một trong những ví dụ sinh động về sức mạnh của chúng trong thể hiện tình yêu lứa đôi. Nhưng xưa nay, có lẽ bạn đọc chỉ nghe nhiều về việc giao tiếp này chỉ diễn ra và mang lại hiệu quả tác động ở người lớn. Vậy ở trẻ em và trẻ nhỏ thì liệu những “cái chạm” yêu thương có tác động gì hay không? Bài viết này tôi sẽ dành riêng để nói về những tác động đó mà có thể phần nào trong số chúng sẽ có ích ít nhiều đối với bạn.

Sự quan tâm và phát triển hành vi

Có một điều là số trẻ em bị bỏ rơi, phải sống trong các trại trẻ mồ côi, cô lập với thế giới bên ngoài dần được cải thiện. Nhưng liệu khi nói về con số những trẻ được sống trong môi trường thành thị, gia đình có điều kiện được quan tâm, được đồng hành phát triển toàn diện về mặt cảm xúc, vận động, thể chất không? Dường như, xã hội ngày càng hối hả khiến nhiều người càng trở nên thắt chặt thời gian hơn – kể cả thời gian để trò chuyện, vỗ về, chơi với trẻ. Có nhiều trẻ có xu hướng hình thành các đáp ứng bất thường về hành vi, cảm xúc, giao tiếp xã hội ngày một lớn dần đi theo cùng với trẻ.

Cùng đưa ra một số con số thống kê giúp bạn đọc hình dung vấn đề này. Nghiên cứu của Harlow hay của Bowlby đều đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy ở những con khỉ không được tiếp xúc với môi trường động vật xung quanh, hoặc bố mẹ, đồng loại chúng xuất hiện các hành vi bất thường với các con khỉ khác sau này, không biết cách giao phối phù hợp và nếu như có sinh sản được thì chúng cũng có vấn đề trong việc nuôi dưỡng khỉ con, thậm chí là các hành vi bạo lực có xu hướng rõ rệt.

Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Phát triển và bệnh lý tâm thể nghiên cứu nồng độ các hormone stress ở các trẻ độ tuổi từ 6-12 tuổi (Romania 1980s). Kết quả cho thấy ở những trẻ sống trong các trại trẻ mồ côi có chỉ số nồng độ các hormone này cao hơn hẳn so với các nhóm đối chứng được nhận nuôi sớm hoặc có gia đình.

Một nghiên cứu được thực hiện vởi Alison Wismer Fries được công bố năm 2005, ghi nhận nồng độ oxytocin và vasopressin (các hormone có liên quan đến sự gắn kết cảm xúc và liên hệ xã hội) ở những trẻ sớm chịu cảnh chia ly gia đình có khác biệt với những trẻ được sinh trưởng trong mái ấm gia đình trọn vẹn.

Những tác động ảnh hưởng lâu dài ghi nhận những khiếm khuyết trong nhận thức về mặt nào đó, phân hóa cảm xúc khác biệt, vô cảm với mọi thứ hoặc hình thành suy nghĩ cố hữu “mọi người lớn đều thật tuyệt vời”. Casler ghi nhận khi tăng các cử chỉ ôm ấp trẻ thêm 20 phút mỗi ngày trong vòng 10 tuần sẽ mang lại các chỉ số trong thang điểm đánh giá phát triển của trẻ cao hơn.

Hình ảnh minh họa. Chúng ta đang gánh những thế hệ gặp nhiều vấn đề trong giao tiếp xã hội.

Thật khó để liệt kê hết được rất nhiều bằng chứng ghi nhận được trên người lẫn trên động vật ghi nhận về tầm quan trọng của giao tiếp bằng những cử chỉ trực tiếp trong quá trình phát triển của trẻ.

Những cái chạm đẩy nhanh quá trình phát triển

Điểm quan trọng của việc giao tiếp bằng những cái chạm yêu thương giữa trẻ và bố mẹ có thể tạo nên sự gắn kết đặc biệt về tình cảm và đẩy nhanh tiến trình phát triển thể chất và nhận thức trong cột mốc hoàn thiện của trẻ, về sau là những ảnh hưởng đến các vấn đề giao tiếp và thích nghi xã hội.

Thiếu những cử chỉ giao tiếp sớm này có thể làm thay đổi cấu trúc sinh lý và chức năng của não bộ và cơ thể, dẫn đến chỉ số IQ thấp hơn, chậm phát triển tâm thần-vận động, có các hành vi bất thường, các động tác hoặc cử chỉ có tính rập khuôn, tẻ nhạt khi lớn lên. Nếu không được điều chỉnh, thích nghi lại thì có thể hình thành tình trạng PSD (còi cọc thể chất tâm thần) do ức chế tiết hormone tăng trưởng GH kéo dài.

Những tương tác trong thai kỳ

Minh họa thêm cho những điều này, chúng ta hãy cùng nhìn về những giai đoạn trong cuộc đời của trẻ. Ngay từ trong tử cung của mẹ, bé đã có những tương tác với mẹ thông qua giọng nói, mùi và cả vị nước ối.

Rõ nhất là vào thời điểm quý ba của thai kỳ, khi mà cơ quan thính giác và hệ thống khứu giác của thai nhi bắt đầu thực hiện chức năng cho phép chúng học hỏi giọng nói, mùi vị của mẹ. Bạn cũng có thể nhận thấy những cú hích vào bụng mẹ những khi bé trở mình, hay lắng nghe với chính bạn.

Tương tác khi bé con chào đời

Ngay sau khi chào đời, khi bé vừa lọt lòng thì cái chạm đầu tiên cũng được bác sĩ áp dụng triệt để (phương pháp da kề da). Bé được lau khô một cách nhanh chóng và được đặt ngay lên ngực mẹ, trên bầu ngực ấm nóng và con tim đang nóng bỏng sưởi ấm một cách tự nhiên thì không có lí do gì mà bé không khoái chí cho được. Khi đó, dòng thác mạnh mẽ những chất giảm đau nội sinh cũng được cơ thể người mẹ nhanh chóng tiết ra làm mọi cơn đau gần như cũng bị xua tan đi hết cả.

Những lý giải khoa học huyền diệu đằng sau thì có lẽ quá phức tạp để có thể kể ra được nhưng bạn thấy đấy, có những gắn kết bền chặt đã được hình thành từ những điều nhỏ nhất như thế.

Phương pháp da kề da trong chăm sóc trẻ sở sinh

Giai đoạn 3 tháng đầu đời

Còn đối với bố mẹ, những nghiên cứu trong thời gian 3 tháng đầu đời của trẻ cho thấy mọi người có xu hướng nhạy cảm hơn đối với “tâm trạng” của trẻ và trẻ cũng sớm hình thành những phản xạ nhận diện bố, mẹ sớm hơn. Trong giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các động tác âu yếm, vỗ về có thể xoa dịu những cảm giác khó chịu của trẻ: trẻ có thể nín khóc chỉ sau một vài cử chỉ yêu thương của bố, mẹ hay thậm chí là có thể ngủ ngay sau khi vừa mới khóc đã đời. Và chắc bạn cũng có thể đoán được sự hữu ích của những giức ngủ ngon, cảm giác bình yên đó đến sự phát triển não bộ.

Bạn hãy để ý, thế giới xung quanh bé không chỉ có âm thanh và ánh sáng không đâu. Một trong những bài học đầu tiên của trẻ đó chính là đáp ứng với các cử chỉ, hành động của mẹ hoặc những thành viên trong gia đình. Rồi sau đó là đối với mọi người xung quanh, trẻ nắm bắt rất nhanh những đáp ứng có thể đoán trước được. Chắc bẳm bé cũng đang biết rằng khi chúng cười, mẹ cũng sẽ cười theo như một phản xạ cố định. Bé con cũng dần hiểu được mình chính là trung tâm của mọi vấn đề.

Các nhà khoa học khám phá một đặc tính của trẻ đó là bắt chước. Và khi ấy, chúng ta tương tác càng nhiều thì trẻ sẽ càng học được càng nhanh, càng nhiều. Đó chính là những yêu thương, những gì mà bé cần đến trong giai đoạn này để hình thành những trải nghiệm cảm xúc của chúng. Dĩ nhiên, hãy đừng gieo rắc cho bé những thói quen xấu của bạn nhé!! ^^

Giai đoạn từ tháng thứ tư

Đến khoảng những tháng thứ tư thì trẻ bắt đầu có những đáp ứng khác biệt nếu như hành vi đáp trả của bạn khác với những gì chúng đang mong đợi. Không có chuyện đúng, chuyện sai trong cái độ tuổi này được, chúng chỉ đáp ứng lại với những gì mà chúng đã học được trước đó mà thôi. Nếu bạn là một cô giáo thì dù cho là có nghiêm khắc đến mấy cũng không nỡ có chút trách móc nào với một học trò chịu khó học hỏi như vậy đâu. Nếu có những phản ứng chưa phù hợp, hãy bắt đầu sớm những nắn chỉnh từ phía bạn sao cho “con tàu phát triển của trẻ” lăn bánh trên đúng quỹ đạo.

Áp dụng những cái chạm trong trị liệu

Mở rộng thêm một số minh họa về áp dụng những cái chạm trong trị liệu. Trường hợp với những trẻ sơ sinh rất nhẹ cân, những cái chạm yêu thương được khuyến cáo áp dụng thành phương pháp trị liệu tích cực mà kết quả không thể bàn cãi nhờ vào phương pháp chăm sóc kangaroo (đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ). Hoặc một ví dụ khác về kĩ thuật GHT (Gentle human touch) được phát triển giúp làm dịu và kích thích cho trẻ sinh non trong 3 tuần đầu sau sinh mang lại hiệu quả tăng tỉ lệ nuôi sống và phát triển các cơ quan ở trẻ.

Các bài tập massage cho thấy mang lại nhiều lợi ích đối với nhiều vấn đề như hen, tự kỉ, bỏng, rối loạn trầm cảm sau sang chấn, ung thư, đái tháo đường, rối loạn hành vi ăn uống và nó còn giúp mang lại tác động phòng ngừa hiện tượng trầm cảm sau sinh ở các mẹ bỉm sữa. Biện pháp massage được chứng minh có thể giúp xoa dịu các cảm giác lo âu, tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể.

Đặc biệt ở nhóm trẻ bị viêm da cơ địa mạn tính, phương pháp con bọ rùa “ladybird” method là một lựa chọn tốt mà bạn có thể đồng hành, cùng trẻ thực hiện các biện pháp massage các sản phẩm dưỡng ẩm một cách đều đặn, mang lại hiệu quả tác động trên nhiều mặt.

Phương pháp thoa thuốc và massage kiểu con bọ rùa

Lời nói cuối

Mỗi cơ quan trong cơ thể đều cần những kích thích thụ thể nhận cảm trong quá trình phát triển của chúng, đặc biệt là kích thích từ thụ thể nhận cảm cơ học (động chạm). Câu trả lời cho câu hỏi cần làm gì cho trẻ phát triển thích hợp nhất có lẽ là hãy làm những điều mà chúng chưa nhận được. Tùy theo văn hóa của mỗi vùng miền, dân tộc mà các cử chỉ, thói quen chăm sóc trẻ đều mang thêm một ý nghĩa nào đó đặc biệt.

Tuy nhiên, quy luật chung là cố gắng tạo ra càng sớm những mối gắn kết trực tiếp, da kề da gần gũi ngay từ lúc mang thai, sinh bé, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Đây là một yếu tố thiết yếu trong những vấn đề thiết yếu nhất trong chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Có thể những thấu hiểu này không mang đến những việc mà bạn đọc có thể thực hiện được ngay theo từng gạch đầu dòng. Có thể chăng chỉ là gợi mở những vấn đề mà bạn đọc và cả bản thân tôi sẽ cùng có thể cố gắng để cùng đồng hành với sự phát triển tâm sinh lý một cách toàn diện, mạnh khỏe của các bé con.

BS Trần Ngọc Nhân

Cùng đón đọc những chủ đề về da liễu trẻ em trên website này. Đồng thời đừng quên chia sẻ cho tôi biết những cảm giác, vấn đề mà bạn đang gặp phải nhé! Xin cảm ơn quý bạn đọc!

Nguồn tài liệu:

  • Ardiel EL, Rankin CH. The importance of touch in development. Paediatr Child Health. 2010;15(3):153–156. doi:10.1093/pch/15.3.153
  • Blackwell, P. L. (2000). The Influence of Touch on Child Development. Infants & Young Children, 13(1), 25–39. doi:10.1097/00001163-200013010-00006
  • Carissa J. Cascio, David Moore, Francis McGlone (2019). Social touch and human development, Developmental Cognitive Neuroscience (2010), https://doi.org/10.1016/j.dcn.2018.04.009
  • Sullivan R, Perry R, Sloan A, Kleinhaus K, Burtchen N. Infant bonding and attachment to the caregiver: insights from basic and clinical science. Clin Perinatol. 2011;38(4):643–655. doi:10.1016/j.clp.2011.08.011
  • Tips & tricks. https://www.avene.co.uk/xeracalm-ad-2015-advice-and-tips
  • WHO (2019). Kangaroo mother care to reduce morbidity and mortality in low-birth-weight infants. https://www.who.int/elena/titles/kangaroo_care_infants/en/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here