Điều trị sẹo rỗ, sẹo lõm, sẹo mụn như thế nào?

1
2697

Sẹo là kết quả của quá trình lành thương tự nhiên dẫn đến sự hình thành mô sợi thay thế mô bình thường bị hủy hoại do chấn thương hoặc bệnh lý nào đó. Sự hình thành sẹo lõm, sẹo rỗ do quán trình giảm hoặc mất mô tại chỗ tổn thương.

Đây là vấn đề thường gặp và có những tác động tiêu cực gặm mòn dần tâm lý, sự tự tin của người gặp phải. Sẹo lõm, sẹo rỗ thường gặp trên bệnh nhân bị mụn trứng cá, thủy đậu, chấn thương và một số bệnh lý khác ở da.

Trong đó, mụn trứng cá là nguyên nhân hàng đầu gây ra những vấn đề này trên vùng mặt. Những trường hợp mụn viêm bọc, mụn nang cục, quá trình viêm kéo dài, không điều trị đúng cách, thao tác sờ nặn tác động thường để lại sẹo vĩnh viễn.

Cách phân loại sẹo lõm do mụn

Sẹo đáy nhọn (icepick)

Sẹo icepick hẹp (dưới 2mm) và rất sâu, xuyên đến cả lớp bì sâu và hạ bì thường hình thành sau mụn nhiễm trùng và gây viêm ở mô da sâu. Da như bị đâm xuyên bởi một vật sắc nhọn. hình chữ V. Sẹo đáy nhọn trông như các lỗ nhỏ, sâu trong da. Sẹo thương tập trung nhiều ở vùng má, là loại sẹo mụn hay gặp nhất.

Sẹo đáy bầu (rolling scar)

Sẹo đáy bầu là hậu quả của sự dính lớp bì vào mô dưới da, bề mặt ngoài da có vẻ như bình thường. Đây là loại sẹo lõm như hình lòng chảo, bờ giới hạn không rõ, có nhiều kích thước khác nhau và có thể kết hợp nhiều sẹo lại thành một sẹo lớn, cảm giác nhìn vào bề mặt da như hình gợn sóng nhấp nhô. Sẹo nông, thường rộng hơn 4-5 mm đường kính.

Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

Sẹo đáy vuông (boxscar)

Sẹo lõm hình tròn hay bầu dục, bờ đứng dọc rất rõ vuông góc với mặt đáy, tạo thành hình chữ U. Miệng sẹo trên bề mặt rông hơn sẹo đáy nhọn và không thu hẹp thành 1 điểm ở đáy. Những sẹo này có thể nông (0.1-0.5mm) hay sâu (>0.5mm), đường kính thay đổi từ 1.5-4.0 mm.

Hình ảnh sẹo lõm sau mụn. a. Sẹo đáy nhọn b.sẹo đáy vuông c. sẹo đáy bầu

Điều trị sẹo cần lưu ý điều gì?

Có nhiều loại sẹo mụn, chúng khác nhau về hình dạng, và có thể cùng tồn tại nhiều loại sẹo mụn trên cùng một bệnh nhân. Các yếu tố quang trọng tác động lên sự hình thành sẹo rỗ là độ nặng của tổn thương, thời gian trì hoãn từ lúc xuất hiện thương tổn viêm da đến khi được điều trị đúng cách, vị trí giải phẫu da và các yếu tố nội tại của bệnh nhân (gen nhạy cảm, đáp ứng viêm…)

Điều quan trọng là mỗi vết sẹo cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá chính xác các vấn đề đang có và lựa chọn cách điều trị phù hợp. Có nhiều yếu tố tác động đến lựa chọn điều trị, cơ bản phụ thuộc vào phân loại sẹo, giai đoạn tổn thương, bề ngoài tổng thể của khuôn mặt, tuýp da, chất lượng da và tình trạng khác đi kèm và những vấn đề về khả năng tài chính, tính chất tuân thủ – nỗ lực trị liệu, mong muốn của từng trường hợp.

Có một điều tiên quyết là sẽ không có một phương án nào có hiệu quả tối ưu cho tất cả các loại sẹo, do vậy để đạt được hiệu quả cao nhất, cần phối hợp nhiều phương án với nhau tùy theo từng tình trạng cụ thể.

Đồng thời không quên giải quyết nguyên nhân gốc rễ đang hoặc sẽ tiếp tục hình thành các tổn thương sẹo mới. Những phương pháp sau đây sẽ tập trung vào chủ đề sẹo lõm, rỗ. Với các trường hợp sẹo tăng sinh hoặc sẹo rối loạn sắc tố sẽ được đề cập đến trong chủ đề bài viết khác và những vấn đề đó cũng thường kết hợp đi kèm cần được đưa vào xem xét trong lựa chọn phương án điều trị thích hợp.

Các phương pháp trị sẹo hiệu quả hiện nay

Dưới đây là một số phương pháp điều trị có thể sẽ được bác sĩ lựa chọn cho bạn.

Thuốc thoa trị sẹo

Thuốc thoa sẹo có chứa các thành phần kích thích bong sừng, tái cấu trúc mô như các retinoid (tazarotene, tretinoin…), các yếu tố tăng trưởng EGF có hoặc không có kết hợp thêm các thành phần điều trị sắc tố khác.

Thiết bị RF, năng lượng laser trị sẹo

RF vi điểm lưỡng cực, siêu âm vi hội tụ và liệu pháp ánh sáng, laser vi điểm không bóc tách là phương án mang đến hiệu ứng làm căng bề mặt da trong điều trị sẹo lõm (đặc biệt sẹo đáy bầu) với thời gian nghỉ dưỡng ngắn, ít nguy cơ để lại tác dụng phụ.

Sử dụng PRP trị sẹo rỗ

Điều trị sẹo lõm với placenta/DNA, huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) thường áp dụng cho các loại sẹo lõm đáy hộp và đáy bầu thực hiện mỗi 3-6 tuần/lần tùy theo mức độ nặng nhẹ của sẹo, điều trị cho đến khi đạt kết quả.

Tiêm chất làm đầy trị sẹo

Sử dụng chất làm đầy tiêm vào dưới đáy sẹo để sẹo có thể đầy lên hơn. Kĩ thuật này hiệu quả với sẹo đáy bầu, và không mấy hữu ích với sẹo đáy nhọn. Filler có thể dùng điều trị đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp khác.

Tách đáy sẹo

Phương pháp được dùng cho nhiều loại sẹo lõm với nguyên lý làm cắt đứt các sợi xơ co kéo, làm tổn thương mô có kiểm soát dưới mô đáy sẹo. Sử dụng kim cắt đáy sẹo chuyên dụng Nokor hoặc những lựa chọn canula, kim thường cũng cho hiệu quả khả quan. Thường sử dụng phối hợp thêm các giải pháp điều trị khác.

tách đáy sẹo.jpg
Hình ảnh minh họa tách đáy sẹo bằng kim

Lột da bằng hóa chất (peel da)

Mục tiêu gây ra sự phá hủy các lớp da có kiểm soát đến một độ sâu nhất định, bằng các chất hóa học thích hợp. Sau đó da sẽ tự sửa chữa và thay thế mô cấu trúc mới. Các chất hóa học được sử dung phổ biến như Salicylic Acid, Glycolic Acid và Trichloacetic Acid. Thường sử dụng TCA 20% để kết hợp với laser bóc tách để mang lại hiệu quả trị liệu.

Kỹ thuật TCA CROSS

TCA được sử dụng cho các loại sẹo đáy nhọn và sẹo đáy vuông. Trichloroacetic acid (TCA) nồng độ cao được chấm vào đáy của tổ chức sẹo nhằm hủy lớp thượng bì xơ hóa và thúc đẩy quá trình tự lành thương của da.

Kĩ thuật TCA CROSS

Vi mài mòn (microdermabrasion)

Bác sĩ sử dụng một máy để loại bỏ lớp trên cùng của da nhằm kích thích cơ chế tự sửa chữa và tái tạo của cơ thể. Hiệu quả trên những vết sẹo nhẹ, nông và kén chọn trường hợp điều trị.

Lăn kim và phi kim (dermaroller & microneedling)

Kĩ thuật sử dụng một con lăn có hàng trăm chiếc kim nhỏ phía trên để lăn trên da. Tạo ra vô số vi tổn thương trên bề mặt da, có độ sâu tới lớp bì nhú và trung bì giữa. Cũng như laser bóc tách vi điểm, chỉ định của lăn kim là sẹo đáy bầu, sẹo đáy nhọn nông, hoặc sẹo hồng ban, sẹo giảm sắc tố. Thiết bị cải tiến có sự kết hợp các đầu kim và thiết bị RF mang đến tác động cộng thêm nhờ hiệu ứng nhiệt.

Hình ảnh minh họa cho kĩ thuật lăn kim

Laser bóc tách vi điểm

Mục đích tạo ra các vi tổn thương trên da và bảo tồn vùng da lành xung quanh. Các tế bào ở vùng da lành kích thích tăng tốc độ hồi phục, vì vậy thời gian hồi phục nhanh hơn và ít tác dụng phụ hơn. Có thể sử dụng phối hợp giữa laser bóc tách vi điểm và laser không bóc tách vi điểm để mang lại hiệu quả cao hơn.

Cắt sẹo và nâng sẹo bằng Punch

Sử dụng punch để cắt bỏ sẹo sẹo đáy nhọn và đáy vuông sâu, đặc biệt với những tổn thương sẹo sâu có kích thước lớn. Kĩ thuật này cũng được thực hiện tương tự như sinh thiết da (xét nghiệm được dùng để lấy mẫu mô da khẳng định chẩn đoán).

Hình ảnh trước và sau điều trị bằng kĩ thuật sử dụng punch

Laser bóc tách trị sẹo

Sử dụng một chùm laser tập trung loại bỏ một cách chính tổ chức da mong muốn. Phương pháp này cần thời gian phục hồi và có nhiều nguy cơ khác đi kèm cần thảo luận kĩ trước khi bắt tay điều trị.

Lời nói cuối về điều trị sẹo

Phương châm nhất quán của cá nhân tôi đó là tiếp cận điều trị từng trường hợp dựa theo phương châm cá nhân hóa trên từng trường hợp. Hãy lưu ý một điều, với tổ chức sẹo nếu được can thiệp sớm đúng thời điểm thì hiệu quả mang lại sẽ càng khả quan. Hãy cùng bác sĩ giải đáp hết những thắc mắc, đưa ra những lời khuyên, tư vấn phù hợp nhất dành cho bạn nhé!

Cùng xem thêm chủ đề:

BS Trần Ngọc Nhân

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here