Bệnh hôi chân: nguyên nhân và cách chữa trị

1
1603

Bệnh hôi chân là vấn đề gây nhiều rắc rối mà ai cũng khát khao chữa trị khỏi vĩnh viễn, tận gốc. Thực tế điều này chỉ đến khi thấu hiểu nguyên nhân của nó.

Điều tuyệt vời đến từ những thứ nhỏ bé nhất, đó là gì thì bạn đọc cùng tôi đi qua các mục trong bài viết này nhé!

Vì sao lại có mùi hôi chân?

Da là một “mảnh đất” màu mỡ và là nơi cư ngụ rất nhiều vi sinh vật khác nhau, có cả vi khuẩn, vi nấm, virus, các loại mạt da. Điều đặc biệt là mỗi chủng sinh vật đó “chiếm đóng” những căn cứ, lãnh thổ khác nhau trên da.

chứng hôi chân và cách chữa trị tận gốc
Mùi hôi chân khiến các mối quan hệ trở nên xa cách

Những chủng vi khuẩn đó bình thường hiện diện trên da của chúng ta và đóng vai trò như một mắt xích tham gia hàng rào khuẩn chí bảo vệ da. Khi có yếu tố thuận lợi thì chúng phát triển quá mức gây ra các vấn đề da.

Các chủng vi khuẩn trên tạo ra các chất có mùi như những thành phần dễ bay hơi: cadaverine, putrescine, sulfur và các acid béo chuỗi ngắn (n-butyric, n-valeric, n-caproic, n-haptonic, và caprylic acids). Putrescine và cadaverine có mùi hăng gắt và dễ khiến chúng ta thấy buồn nôn, hoặc thậm chí nôn ói. Và chính các sản phẩm kể trên sinh mùi hôi cho bàn chân hoặc các vùng khác của cơ thể.

Nguyên nhân làm chân bốc mùi khó chịu?

Tăng tiết mồ hôi chân

Nguyên nhân chính là mồ hôi chân tăng tiết. Bản thân mồ hôi thì không có mùi, tuy nhiên chúng tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho một số loại vi khuẩn phát triển mạnh và từ đó sản sinh ra những chất có mùi. Vùng trước của bàn chân là vị trí tiết nhiều mồ hôi nhất.

Nói về tăng tiết mồ hôi thì đây có thể là một tình trạng thứ phát hoặc nguyên phát. Với những trường hợp thứ phát (thường đổ mồ hôi toàn thân, kèm sốt, sụt cân, rối loạn ăn uống, tiêu chảy, hồi hộp, vã mồ hôi trộm, hoặc sử dụng một số thuốc).

Ước tính có gần 5% dân số chung trên toàn thế giới cùng gặp phải tình trạng như vậy (có nghĩa là khoảng 365 triệu người, không chỉ riêng bạn thôi đâu!). Tôi sẽ dành riêng một bài viết để nói đến chủ đề này sau. Trong khuôn khổ bài này sẽ chủ yếu nói về các vấn đề liên quan tình trạng nguyên phát.

Các yếu tố làm tăng tiết mồ hôi chân đều khiến cho hiện tượng bốc mùi dễ xuất hiện. Giày bít, vớ tổng hợp là thủ phạm hàng đầu, đặc biệt với những công nhân mặc giày bảo hộ dày, kín trong thời gian dài. Những vận động viên thể thao sử dụng giày đế mềm cũng là nhóm có nguy cơ cao.

Các loại giày búp bê, hoặc giày cao gót kín mũi khi sử dụng không mang vớ sẽ tạo điều kiện cho mồ hôi, tế bào chết, chất bẩn, chất dầu tích tụ. Tất cả chúng đều là món khoái khẩu của các vi khuẩn sinh mùi phát triển. Hãy nhớ khi nào mà chân bắt đầu cảm giác “nóng ran” hoặc bức bí thì hãy tháo ra một lúc.

Bệnh bong sừng da chân dạng lỗ

Đây cũng là nguyên nhân thường gặp khiến chân bốc mùi. Biểu hiện bệnh thường đi kèm nóng ran, bong vảy, xuất tiết dịch bàn chân.

Chứng bong sừng da chân dạng lỗ
Bệnh hà ăn chân – bong sừng da chân dạng lỗ

Đây là tình trạng nhiễm trùng da nông do vi khuẩn như Kytococcus sedentariusDermatophilus congolensis và Corynebacterium spp. Tôi đã có dịp đề cập đến trong bài viết “Hà ăn chân” là bệnh gì mà khiến ông cha “tởn” đến già? Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết thêm.

Nhiễm nấm và viêm kẽ

Bên cạnh các vi khuẩn thì các vi nấm cũng đóng góp phần của mình trong việc gây ra mùi bàn chân. Biểu hiện thường gặp là các vảy trắng, nền đỏ da, xuất tiết dịch có thể kèm ngứa ở những vị trí nếp kẽ ngón.

Vết thương vùng chân mạn tính

Các vết thương mạn tính đôi khi cũng tạo ra mùi thối khó chịu cho chính người bệnh lẫn nhân viên chăm sóc. Đặc biệt là với những trường hợp có tư tưởng bỏ mặc bản thân, mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý mạch máu, hoại tử mô.

Bệnh lý làm giảm nhận cảm mùi

Một số trường hợp khác khiến người bệnh có xu hướng không nhận ra mùi khó chịu của cơ thể như bệnh nhược giáp. Hoặc tình trạng này cũng thường thấy trong một số người gặp phải tai biến mạch máu não trước đó. Và kết quả là họ trở nên bốc mùi hơn bình thương mà ngay cả họ cg ko biết.

Mùi hôi chân có gợi ý gì đến thủ phạm?

Thực tế thì khó để phân biệt được các nguyên nhân nếu chựa trên mùi hôi chân. Nhưng có một số nhóm chất sản phẩm sẽ có mùi đặc trưng riêng biệt. Điều này đôi khi sẽ giúp ích cho bác sĩ trong bước đầu đánh giá trên lâm sàng.

Thành phầnMùi đặc trưng
Dimethyl trisulfideTương tự mùi trứng thối, lưu huỳnh
Acetic acidMùi giấm chua
Isobutyric acidMùi pho mát
Butyric acidMùi chất nôn, trớ ngược, pho mát
Isovaleric acidMùi pho mát

Các vi khuẩn trong bệnh bong sừng da chân dạng lỗ thường sản xuất ra các men phân giải protein của lớp sừng da và tạo ra các chất có thành phần gốc lưu huỳnh. Cho nên, mùi thường thấy trong nhóm này sẽ là như mùi trứng thối.

Dimethyl trisulfide được biết đến như là sản phẩm cuối cùng của vi khuẩn Pseudomonas aeriginosa. Với những vết thương mạn tính, các vi khuẩn có xu hướng hình thành các màng film sinh học làm chậm lành thương và tạo mùi cho vết thương.

Những phát hiện thú vị về mùi hôi chân?

Sử dụng giày bốc mùi để cấp cứu động kinh?

Động kinh đã được biết đến hơn vài ngàn năm với muôn hình muôn vẻ. Sử dụng giày thối – một phương pháp thực hành nghe thì có vẻ không có khoa học chút nào nhưng vẫn còn được dùng cho đến ngày nay. Điều này thường thấy ở một số nước phát triển ở phương Đông.

Sử dụng giày bốc mùi là một liệu pháp aromatherapy (sử dụng mùi hương để trị liệu) được dùng để hỗ trợ xử trí trong giai đoạn sớm của cơn động kinh. Lý giải được khoa học chứng mình thông qua những kích thích khướu giác đem lại tác động chống động kinh đáng kể.

Dĩ nhiên, đọc thế cho vui thôi. Đừng đem ra áp dụng nhé! Vậy hỏi thêm bạn một câu: bạn có liên tượng đến phương pháp sử dụng tất để gây mê như trên phim ảnh chứ? Chính nó đấy, cũng là một aromatherapy!! :p

Mùi bàn chân có thể dự phòng bệnh sốt rét?

Nhà khoa học Bart Knols của Đại học Nông nghiệp Wageningen ở Hà Lan đã nhận giải thưởng Ig Nobel thường niên cho phát kiến thú vị này. Loài muỗi cái Anopheles gambiae (được biết là vector lây truyền bệnh sosots rét) bị thu hút bởi mùi pho mát limburger và mùi hôi chân.

Sau đó, các nhà khoa học đã phát triển nên dụng cũ bẫy và diệt muỗi thông qua việc sử dụng 8 chất hóa học tương tự như các chất tiết ở chân người.

Đến đây, bạn có tự hỏi thử xem vì sao trong các buổi sinh hoạt tập thể với nhau. Mình bị muỗi cắn nhiều hơn những bạn khác chưa? ^^

Mùi bàn chân là một chất kích thích tình dục?

foot fetishism - chứng sùng bái bàn chân
foot fetishism – chứng sùng bái bàn chân

Thuật ngữ “foot fetishism” được dùng để chỉ những nhóm người có khoái cảm về tình dục ở bàn chân. Điều này thường gặp ở nam giới hơn là nữ giới.

Họ thích thú với hình dáng, kích thích, mân mê các ngón chân dài ngắn khác nhau, tạo các kích thích lòng bàn chân, gân chân, vòng đeo chân, vớ tất, hoặc đặc biệt là mùi, vị của bàn chân… Có thể bằng tay hoặc miệng, lưỡi

Và với những trường hợp thuộc nhóm này cũng đi kèm với nguy cơ mắc phải các vấn đề lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, HIV…) cao bất thường.

Điều trị hôi chân như thế nào?

Điều chỉnh thói quen, lối sống

Giữ gìn vệ sinh tốt là cách tốt nhất để dự phòng xuất hiện mùi bàn chân cũng như loại bỏ mùi gây ra do vi khuẩn. Công việc này cũng giúp loại bỏ tế bào chết ở da cũng như các chất nhờn dư thừa.

  • Mặc giày bít, ủng trong thời gian ngắn nhất nếu có thể
  • Không mang một đôi giày quá 2 ngày, hãy để thời gian cho chúng khô thoáng hẳn rồi sử dụng lại
  • Nếu được, hãy đổi sang thói quen mặc giày sandal sẽ tốt hơn, đặc biệt dành cho những ai bị tăng tiết mồ hôi chân
  • Vớ giày có thể gây bít mồ hôi, tăng diện tích bề mặt để vi khuẩn có thể sinh sống và gây mùi nặng hơn. Sự thật thì những loại vớ bằng chất liệu tổng hợp như polyester và nylon kém thông khí hơn so với cotton hoặc sợi tơ gỗ, tre, sợi thiện nhiên. Mặc dù có lợi điểm của sợi tổng hợp giúp hạn chế hình thành bóng nước do ma sát. Do vậy, có nhiều loại vớ tổng hợp được thiết kế thêm các hóa chất giúp giảm sinh mùi.
  • Cần giặt tất, vớ thường xuyên với nhiệt độ ít nhất 60oC để đạt hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn.
  • Lưu ý khi giặt tất, vớ bạn cần lộn ngược mặt trái ra ngoài để có hiệu quả cao nhất.
  • Rửa chân bằng xà phòng hoặc dung dịch kháng khuẩn 2 lần mỗi ngày
  • Sử dụng con lăn hoặc bình xịt khử mùi, chống ra mồ hôi cho vùng chân ít nhất 2 lần mỗi tuần
  • Không dùng chung khăn tắm, giày dép với người khác
  • Cần thấm khô chân sau khi tắm, rửa. Không để bàn chân ướt khi ngủ, nghỉ.
  • Có giải pháp để tẩy tế bào chết cho chân một cách thường xuyên. Bạn có thể sử dụng đá mài, xơ mướp, vải sợi thô hoặc một số loại quả hạt xay mỗi tuần.
  • Hãy nhớ cắt ngắn móng chân thường xuyên, tránh tạo nơi trú ẩn thuận lợi cho vi khuẩn, các chất bẩn.
Tránh sử dụng các loại bột hấp thụ như bột talc, bột cornstarch bởi vì chúng có thể gây kích ứng cho các vị trí da nếp kẽ. Đây cũng là tác nhân bít ẩm lại trên da, một số vi khuẩn lại thích các sản phẩm dạng bột (như bột ngô chẳng hạn) nên nhiều khi lại là nguyên nhân lại làm tình trạng trở nặng. cho nên, tốt nhất là không nên sử dụng.

Sử dụng thuốc, can thiệp khác

Điều trị tăng tiết mồ hôi

Lựa chọn chính được các bác sĩ đưa ra đầu tiên thường là các chất chống tiết mồ hôi tại chỗ. Đặc biệt là với những trường hợp nhẹ nhất.

Phèn chua có thể vận dụng ở ta sẵn có (tương tự công thức nhôm chloride hexahydrate 20%) là hóa chất có thể mua dễ dàng ở các quầy hóa phẩm. Bạn đọc có thể thử pha nước, ngâm chân mỗi tối cho đến khi đạt cân bằng. Sau đó giảm còn một vài lần mỗi tuần. Lưu ý đến triệu chứng kích ứng da của sản phẩm.

Một số thuốc tác động trên hệ thần kinh tiết mồ hôi của bạn có thể sẽ được bác sĩ chỉ định nếu giải pháp trên không hiệu quả.

Diện di là lựa chọn kế tiếp nếu các phương án tại chỗ tỏ ra kém hiệu quả. Kĩ thuật này sử dụng dòng điện khu trú để đẩy các ion cơ chất có hoạt tính cần thiết vào mô da bên dưới.

Với những trường hợp liên quan đến tăng tiết mồ hôi nặng, không thể kiểm soát với những điều chỉnh thông thường. Lúc này có thể nghĩ tới hướng can thiệp bằng botulinum toxin.

Phương án phẫu thuật cắt hạch giao cảm nhìn chung được hạn chế áp dụng trừ khi mọi phương án khác không có hiệu quả hoặc có chống chỉ định. Mặc dù hiệu quả của phương án này là thấy ngay sau thực hiện và duy trì kéo dài nhưng vấn đề lớn nhất chính là hiện tượng tăng tiết mồ hôi bù.

Điều trị nhiễm khuẩn bàn chân

Với nhiễm khuẩn gây bong sừng da dạng lỗ thì có thể điều trị với kháng sinh bôi tại chỗ hoặc các dung dịch kháng khuẩn. Có thể kể ra như: Erythromycin, Clindamycin, Mupirocin, Fusidic acid, dẫn xuất imidazoles, benzoyl peroxide… Hoặc sử dụng thuốc tím (KaMnO4) để pha rất loãng (đến tựa màu hồng nhạt cánh sen) để ngâm chân cũng là một giải pháp tốt. Trong một số trường hợp, có thể được bác sĩ chỉ định điều trị với kháng sinh đường uống phối hợp.

Với những tình huống được nghĩ tới viêm kẽ do nấm chân thì bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm và chỉ định thêm thuốc kháng nấm để điều trị. Nước chè pha loãng dùng ngâm chân là một phương án có thể hỗ trợ với những nguyên nhân nấm kẽ chân.

Điều trị vết thương mạn tính

Với những vết thương mạn tính sinh mùi, chắc chắn tình trạng này cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá và đưa ra chỉ định phù hợp nhất. Có thể có nhiều tiếp cận tùy thuộc vào loại vết thương, tình trạng bệnh lý đi kèm, độ sẵn có và các yếu tố toàn thân khác (ví dụ như là quá mẫn với thành phần thuốc).

Kháng sinh vẫn là lựa chọn can thiệp hàng đầu. Những phương án thiên nhiên có thể được cân nhắc sử dụng như tinh đường, mật ong, than hoạt tính, dung dịch bạc, hydrogel và hydrocolloid.

Lời nói cuối

Với mùi bàn chân hôi, bạn cần xác định các nguyên nhân và yếu tố nào đang tác động đến. Nếu không có yếu tố tổn thương hoặc bệnh lý đặc biệt khác, bạn đọc có thể thử áp dụng các biện pháp điều chỉnh lối sống đã được đề cập ở trên.

Một khi đã áp dụng tốt các phương án điều chỉnh nhưng tình trạng vẫn đâu vào đấy thì bạn nên nói chuyện với bác sĩ của mình. Những can thiệp đủ sớm có thể hạn chế những tác động tiêu cực mà vấn đề này mang đến.

BS Trần Ngọc Nhân

Tài liệu tham khảo

  • Alma Akhmetova et al (2016). A Comprehensive Review of Topical Odor-Controlling Treatment Options for Chronic Wounds. J Wound Ostomy Continence Nurs. 2016 Nov; 43(6): 598–609.
  • Ara, K., Hama, M., Akiba, S., Koike, K., Okisaka, K., Hagura, T., … Tomita, F. (2006). Foot odor due to microbial metabolism and its control. Canadian Journal of Microbiology, 52(4), 357–364. doi:10.1139/w05-130
  • Foot fetishism. https://en.wikipedia.org/wiki/Foot_fetishism
  • Jaseja H (2008). Scientific basis behind traditional practice of application of “shoe-smell” in controlling epileptic seizures in the eastern countries. Clin Neurol Neurosurg. 2008 Jun;110(6):535-8. doi: 10.1016/j.clineuro.2008.02.006.
  • Pablo Fernández-Crehuet et al (2015). Pitted keratolysis: an infective cause of foot odour. CMAJ. 2015 Apr 21; 187(7): 519. doi: 10.1503/cmaj.140809
  • Scarff CE (2009). Sweaty, smelly hands and feet. Aust Fam Physician. 2009 Sep;38(9):666-9.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here