Mụn cóc là bệnh do virus thường gặp ở các vị trí bàn tay, chân. Nhưng đôi khi bị làm ngơ cho đến khi chúng gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc thẩm mỹ. Thực tế khi được đánh giá và chữa trị hợp lý mang lại hiệu quả tốt.
Bài viết này nhằm mục đích đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về nguyên nhân, tính chất lây lan, cách chữa trị. Và một số thông tin thú vị khác xoay quanh câu chuyện mụn cóc. Phản hồi cho tôi ở cuối bài viết nhé!
Nội dung chính của bài viết
Mụn cóc là bệnh gì?
Đây là tình trạng tổ chức da ở một ví trí nào đó dày lên (hiện tượng tăng sừng) gây ra do virus. Mụn cóc và hạt cơm là 2 thuật ngữ được dùng song song với nhau.
Chúng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể với kích thước dao động từ 1mm đến hơn 1cm. Chúng được đặt tên dựa theo vị trí, hình dạng của tổn thương.
Khi tình trạng này xảy ra ở lòng bàn tay, lòng bàn chân thì được gọi là mụn cóc lòng bàn tay chân. Còn ở những vị trí khác (đặc biệt hay gặp ở vùng mặt), với bề mặt phẳng, khá trơn láng thì được gọi là hạt cơm phẳng (hay mụn cóc phẳng).
Có một số mụn cóc dạng nhú chỉ xuất hiện dưới dạng một vài nhú dài, đường kính nhỏ tương tự một các sừng nhỏ trên da. Hoặc nhiều mụn cóc gộp với nhau tạo thành mụn cóc dạng khảm trên da. Số còn lại được gọi là mụn cóc thông thường.
Vậy có mụn cóc ở vùng niêm mạc như hậu môn, sinh dục không? Nếu có thì có khác gì không? Câu trả lời là một bệnh lý khác được gọi là mụn cơm sinh dục.
Mụn cơm sinh dục, hậu môn là gì?
Đây là tình trạng riêng biệt được xếp vào nhóm những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Tính cả việc dùng chung đồ chơi tình dục, lạm dụng tình dục, hoặc rất hiếm khi là bắt nguồn từ mụn cóc ở tay.
Bệnh biểu hiện với các sẩn cục dạng u sùi vùng quanh hậu môn, sinh dục. Bệnh gây ra do virus HPV (human papillomavirus). Có hơn 100 tuýp virus này, nhưng thường gặp nhất là tuýp 6 và 11.
Tôi sẽ dành những bài viết riêng về chủ đề này trên blog. Bạn đọc có thể theo dõi, tìm kiếm thêm về nội dung này. Trong khuôn khổ những phần tiếp theo, tôi sẽ dùng thuật ngữ mụn cóc cho những trường hợp thông thường ở da.
Mụn thịt có phải là mụn cóc?
Đáp án là không! Mụn thịt là tổn thương u da lành tính xuất phát từ ống tuyến mồ hôi. Thường đặc trưng xuất hiện vùng quanh mắt 2 bên (đôi khi là ở nách, bụng, hoặc ngực…).
Tổn thương này thường đối xứng, có màu vàng nhạt hoặc màu trùng với màu da. Kích thước dao động khoảng 1-3mm và ít khi đi kèm triệu chứng nào khác. Bệnh thường gặp ở phụ nữ độ tuổi trung niên.
Tôi sẽ tiếp tục chủ đề này trong một bài viết khác trên blog này. Bây giờ thì cùng quay lại chủ đề mụn cóc nào!
Mụn cóc có nguy hiểm không?
Thông thường, mụn cóc ít khi gây ảnh hưởng gì đáng kể đối với sức khỏe, thường chỉ có một vài cái. Bệnh thường tiến triển chậm và không gây ra triệu chứng gì đáng chú ý.
Bởi vậy chúng thường rất dễ bị lãng quên. Cho đến một ngày, chúng…
- Trở nên to dần ra, với kích thước lớn khoảng 1cm
- Bắt đầu gây đau nhức, viêm tấy cho lòng bàn tay, chân của bạn
- Da mặt, tay chân lấm tấm đầy các hạt, sẩn, cục gây mất thẩm mỹ vô cùng
- Chúng gặm mòn cái móng tay, chân khiến chúng không thể mọc một cách bình thường được.
- Hoặc bạn không tự tin khi nắm tay một ai đó, mất cảm giác khi đếm tiền ^^ chỉ vì lòng bàn tay vướng víu khó chịu cái hạt gì đấy.
Những ai dễ gặp phải vấn đề này?
Gần như cứ 3 người trẻ tuổi thì có 1 người bị mụn cóc. Còn nếu tính chung thì cứ 10 người lại có 1 người bị. Bạn thấy đấy, không riêng gì bạn đang đối diện với chúng đâu.
Có một số cơ địa hoặc môt số nghề nghiệp sẽ dễ gặp phải mụn cóc hơn hẳn. Có thể kể đến như:
- Nghề bán thịt, giết mổ: chúng phổ biến đến mức có riêng một tên gọi dành để nói về vấn đề này. (Butcher’s wart)
- Những người trẻ tuổi, thường có thói quen tắm bể bơi, hồ bơi công cộng, sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng, nắm khóa cửa nơi công cộng
- Người có bệnh lý rối loạn hàng rào bảo vệ da như viêm da cơ địa, vảy nến…
- Người có vấn đề suy giảm miễn dịch, sử dụng corticoid kéo dài…
- Những người hút thuốc lá thường có xu hướng tái phát bệnh cao hơn
Vậy thì nguyên nhân của chúng là gì? và vì sao mụn cóc lại phổ biến đến thế?
Thủ phạm gây mụn cóc? Chúng có lây lan không?
Nguyên nhân gây ra mụn cóc
Như đã được đề cập ở đầu bài viết, đây là tình trạng gây ra do virus ở da có tên là HPV. Những tuýp virus gây bệnh thường gặp như 1, 2, 3, 4, 27, 29 và 57.
Một đặc điểm của tụi HPV này đó là khả năng sống rất dai ở ngoài môi trường, có thể là vài tháng cho đến vài năm. Chúng chỉ chờ khi da bạn có kẽ hở (vết trầy xước) là đột nhập vào và gây bệnh.
Hãy nhớ đây là bệnh mắc phải, chứ không phải là bệnh lý di truyền. Còn mắc phải thế nào thì bạn đọc xem tiếp phần bên dưới nhé!
Bệnh mụn cóc có lây không?
Câu trả lời là có. Chắc chắn là vậy rồi. Nhưng, nguy cơ lây lan là không cao. Con đường lây lan thông qua việc tiếp xúc, sờ chạm da kề da trực tiếp.
Phải nói đến đặc tính của loại virus này là chúng có xu hướng ưa thích môi trường ẩm ướt. Và thuận lợi nhất là khi bề mặt ẩm ướt mà có bề mặt thô ráp như bể bơi, nơi tắm rửa công cộng…
Tỉ lệ lây nhiễm tăng lên đáng kể khi da bị trầy xước, tổn thương. Đây là lí do mà nhiều người thường phát hiện mụn cóc sau vị trí mà trước đó bị gai đâm, dằm tay, chân hoặc thậm chí là côn trùng đốt.
Rồi một khi đã có tổn thương ban đầu, việc cào gãi, sờ mó hoặc thử nặn chúng cho đã ngứa sẽ làm phát tán ra những vị trí xung quanh. Và vì thế, điểm đến tiếp theo của chúng có thể là móng tay, ngón tay, môi…
Nếu cơ thể có sức đề kháng không tốt thì tình trạng kể trên được phát tán rất nhanh. Thậm chí trong một thời gian ngắn là bạn đã thấy rất nhiều tổn thương trên da rồi đấy.
Làm thế nào để dự phòng lây lan virus?
Mẹo nhỏ hạn chế lây virus cho người khác
- Không dùng chung khăn tắm, khăn mặt và vật dụng cá nhân (như máy rửa mặt, cọ trang điểm…) với người khác.
- Trước khi đi tắm nơi công cộng, nhớ băng dán vị trí mụn cóc lại với băng dính chống nước.
- Nếu bạn đang bị mụn cóc lòng bàn chân, hãy mặc dép xỏ ngón ở phòng tắm công cộng và không dùng chung giày, dép hoặc vớ với người khác
- Nếu nhà bạn có em nhỏ, nhớ kiểm tra chân tay bé thường xuyên để phát hiện sớm hiện tượng lây lan.
Mẹo hạn chế làm lan rộng virus
- Không sờ mó, chích nặn, cạo, ngắt mụn cóc
- Không cắn móng tay hoặc ngậm mút ngón tay đang bị mụn cóc
- Cắt ngắn móng tay
- Nếu đang bị mụn cóc ở chân, cố gắng thay vớ hoặc quần bó sát mỗi ngày.
- Mặc giày dép vừa vặn, tránh các tác động xây xát da không đáng có.
Mụn cóc có cần điều trị không?
Đầu tiên, phải nói là không cần điều trị nếu như chúng không gây cho bạn bất kỳ vấn đề khó chịu nào. Một nửa số trường hợp trẻ em có mụn cóc sẽ tự hết trong vòng 1 năm mà không cần điều trị. 2/3 trường hợp sẽ tự hết trong 2 năm.
Con số trên thường đúng cho cho trẻ em hoặc người trẻ tuổi. Đôi khi có thể sẽ lâu hơn, đặc biệt là ở người lớn.
Còn việc điều trị có thể sẽ mang đến sự cải thiện nhanh hơn nhiều. Có thể là sau vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, vẫn có nhược điểm của việc điều trị là chúng có thể gây đau hoặc mất thời gian (tùy phương pháp).
Có những khi đơn giản chờ đợi lại là lựa chọn tối ưu nhất, ví dụ với những trẻ nhỏ chẳng hạn. Còn một khi chúng đã gây khó chịu thì tốt nhất là nên được bác sĩ thăm khám và điều trị.
Có những phương án điều trị nào?
Có nhiều phương án có thể được lựa chọn để điều trị mụn cóc. Bạn đọc cùng tôi điểm qua một số phương án điều trị bên dưới.
Thuốc bôi có chứa salicylic acid, TCA
Thuốc được thiết kế dạng dung dịch, kem, mỡ hoặc miếng dán đặc biệt với thành phần salicylic acid. Tác dụng của thuốc làm bong dần các lớp mụn cóc ra và mang đến hiệu quả trị liệu.
- Cần thoa thuốc mỗi ngày trong vòng khoảng 3 tháng. Nếu bạn xác định không đủ kiên trì với phương án này thì có thể suy nghĩ lụa chọn khác.
- Trước khi thoa thuốc, có thể sử dụng đá mài hoặc dụng cụ nào đó thuận tiện tẩy đi lớp tế bào chết ở ngoài.
- Tốt nhất là nên ngâm chân trong nước ấm khoảng 5-10 phút trước cả.
- Không nên sử dụng phương án này cho vùng mặt bởi vì nồng độ cao của acid có thể gây kích ứng, bỏng rộp, thậm chí sẹo xấu
- Nếu bạn đang có bệnh tiểu đường hoặc các rối loạn tuần hoàn khác, chỉ sử dụng khi bác sĩ chỉ định tới
- Tránh không làm vấy sản phẩm ra vùng da lành xung quanh, hoặc đơn giản là bạn hãy mua kèm 1 tuýp vaseline. Rồi thoa quanh hết vị trí mụn cóc với vaseline trước khi thoa sản phẩm.
- Nếu vị trí thoa thuốc bị loét, trợt, kích ứng thì tốt nhất ngưng lại vài ngày rồi bắt đầu dùng lại với lượng thận trọng hơn.
- Cần kiên trì theo dõi và đợi kết quả, không được nóng vội
- Để sản phẩm xa tầm tay trẻ em
Một loại phổ biến trên thị trường hơn đó chính là dung dịch TCA. Với tác dụng bong sừng, gây phá hủy mô sừng da nhiều hơn cho nên loại này phải được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng một cách thận trọng.
Các phương pháp dân gian như sử dụng tỏi tươi hoặc đắp lá tía tô để trị mụn cóc có ít bằng chứng về tính hiệu quả. Thực tế đây là những chất kháng khuẩn, kháng virus tự nhiên ít nhiều có vai trò trong điều trị. Hãy thử nghĩ xem những chất cô đặc như trên cũng đã mất ngót ngét vài tháng. Thì, chỉ trừ trường hợp may mắn chứ không cũng sẽ mất kha khá thời gian sử dụng thì mới có được hiệu quả.
Áp ni tơ lỏng
Áp lạnh có thể là lựa chọn điều trị hiệu quả. Thường thì sử dụng dung dịch lỏng khí ni tơ (ni tơ đượng nén lỏng ở nhiệt độ cực thấp). Nhiệt lạnh gây bỏng, phá hủy mô mụn cóc.
Sử dụng thiết bị xịt chuyên dụng hoặc đầu áp (có thể được thiết kế đơn giản bằng bông vấn với kích thước bằng với mụn cóc). Để thấy hiệu quả, có thể cần một vài lần điều trị (4-6 lần) cách nhau vài tuần.
Phương pháp này có thể gây đau, hình thành bọng nước nhỏ sau vài ngày tại vị trí áp lạnh hoặc mô da lân cạnh. Những vị trí gần gân, thần kinh, móng tay thì phương án này có thể gây sẹo hoặc ảnh hưởng đến vùng điều trị. Những trường hợp trẻ nhỏ hoặc người có vấn đề tuần hoàn da thì cũng không nên thực hiện.
Nếu phải so sánh với thuốc bôi thì có lẽ đây là lựa chọn hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, cần được bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ (trong đó phải kể đến tính kinh tế) của từng phương án.
Có những sản phẩm trên thị trường được bán với dạng bình xịt hoặc bình áp lạnh với nguyên lý tương tự. Bạn có thể mua chúng (dĩ nhiên là qua amazon, alibaba…) và tự thực hiện. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng với chúng nhé.
Điều trị với laser CO2
Phương pháp này được bác sĩ thực hiện cho bạn bằng cách sử dụng tia laser để đốt hủy mô bệnh gây ra virus. Gần như phương án này có thể thực hiện được hầu hết các vị trí trên cơ thể.
Phương pháp này có thể gây đau cho nên trước điều trị thường được bôi tê, tiêm thuốc tê tại vị trí bệnh. Việc phá hủy mô sẽ tạo ra vết thương trên da cho nên sau đó cần được chăm sóc vết thương tốt, tránh nhiễm trùng.
Nếu bạn được điều trị phương pháp này thì bạn cần tránh nắng kĩ, không sờ cạy vảy mài đóng lại trên vết thương sau đốt. Tránh nắng kĩ để hạn chế nguy cơ hình thành vết thâm dai dẳng.
Nếu bạn đang có các vấn đề sức khỏe khác đi kèm như dị ứng thuốc tê, bệnh lý đái tháo đường, rối loạn tuần hoàn… thì chắc chắn là bạn nên trao đổi kĩ với bác sĩ trước điều trị.
Những phương án khác
Có những phương án điều trị khác đôi khi sẽ được cân nhắc đến trong một số trường hợp đặc biệt. Ví dụ như:
- Sử dụng dụng cụ để nạo bỏ tổn thương có tên là curretage
- Sử dụng máy đốt điện để loại bỏ tổn thương
- Sử dụng liệu pháp quang động lực
- Sử dụng lase nhuộm màu PDL
- Một số loại kem có hoạt tính tiêu diệt virus hoặc ngăn chặn virus sinh sôi nảy nở (Dithranol, 5FU, tiêm bleomycin, Formaldehyde, podophylin, imiquimod, tinh dầu tràm trà…)
- Thuốc bôi có retinoids, thuốc uống cimetidine…
- Sử dụng liệu pháp miễn dịch với vi nấm men hoặc tubercullin
- Sử dụng băng keo dán
- Châm cứu (thường chỉ dành cho hạt cơm phẳng)
Trường hợp không nên trì hoãn đi khám bác sĩ?
Có những trường hợp mà bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu tránh việc trì hoãn quá lâu.
- Có nhiều mụn cóc ở lòng bàn tay, bàn chân
- Mụn cóc dạng khảm, mụn cóc trên người có bệnh lý da khác như viêm da cơ địa, vảy nến…
- Mụn cóc khi có vấn đề về suy giảm miễn dịch
- Không chắc chắn tình trạng của mình có phải là mụn cóc hay không
- Không đáp ứng với những phương án điều trị ở nhà và gây ra khó chịu cho bạn
- Có biểu hiện viêm tấy, đau nhức nhiều, hình thành sẹo lồi, sẹo xấu
Lời nói cuối
Mụn cóc là một tình trạng phổ biến và cơ bản ít gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Nhiều mụn cóc có thể tự khỏi nhưng điều này thường mất khá nhiều thời gian.
Luôn hình thành cho bản thân những thói quen dự phòng việc làm phát tán cho cộng đồng và làm tổn thương lan rộng. Có thể chỉ là những việc đơn giản nhất đơn cử như sử dụng giày dép.
Nếu các tổn thương gây ra vấn đề nào đó cho bạn thì tốt nhất, nên được bác sĩ tư vấn các phương án điều trị. Việc can thiệp hợp lý có thể sớm mang lại nhiều tác động tích cực.
Tài liệu tham khảo
- BAD. plantar warts (verrucas). http://www.bad.org.uk/
- Dr Colin Tidy (2018). Warts and Verrucas. https://patient.info/skin-conditions/warts-and-verrucas-leaflet
- Viral wart. https://www.dermnetnz.org/topics/viral-wart/
- Warts. http://www.pcds.org.uk/clinical-guidance/warts.
[…] Mụn cóc lòng bàn tay chân, mụn cóc phẳng là gì? […]