Tiểu nguyệt lớn – có phải là dấu hiệu bệnh lý?

0
2501
Đặc điểm giải phẫu của móng tay

Tiểu nguyệt hay còn gọi là nguyệt nha là thuật ngữ được dùng để chỉ phần nhìn thấy được của phần cuối nền móng (nail matrix) vượt qua nếp khóe móng. Chúng thường có hình bán nguyệt màu trắng, quan sát rõ nhất ở ngón cái so với những ngón còn lại. Hình dạng và kích thước tiểu nguyệt có khác biệt lớn giữa từng người với nhau. Đôi khi chuyện có một số người không thấy hoặc có nhưng lại không cân xứng giữa 2 bên cũng là chuyện bình thường.

Nền móng (matrix) là trung tâm phát triển của móng, đa phần chúng được phần da quanh móng che chắn kĩ càng, phần lộ ra ngoài có thể nhìn thấy chính là tiểu nguyệt.

Có một điểm thú vị ở những người khỏe mạnh là khả năng bắt gặp tiểu nguyệt còn liên quan đến chiều dài bản móng. Một nghiên cứu cho thấy, với một ai đó có chiều dài móng ngắn (0.6-1 cm) thì rất ít khi thấy hoặc thậm chí là không thấy phần tiểu nguyệt. Trong khi đó những người có bản móng tay dài > 1.4cm thì không chỉ thấy rõ tiểu nguyệt ở ngón cái, mà còn dễ dàng bắt gặp ở những vị trí ngón khác kèm theo.

Có thể nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì móng cũng có thể gọi là chiếc gương soi của sức khỏe. Chăm sóc móng đúng cách cũng là một phần công việc để giữ chiếc gương được sáng đẹp.

Tiểu nguyệt lớn (macrolunula hoặc enlarged lunula) không chỉ là một đặc điểm sinh lý thông thường, đôi khi nó cũng được phát hiện ở nhiều tình huống và bệnh lý hệ thống kèm theo. Thực tế thì cho đến nay, vẫn chưa có một tiêu chí nào được đưa ra để xác định khi tiểu nguyệt lớn bao nhiêu phần của móng thì được gọi là tiểu nguyệt lớn.

Hình 1: tiểu nguyệt lớn gây ra do tác động chấn thương kéo dài. Phụ nữ 49 tuổi có tiểu nguyệt lớn nhìn thấy rõ (hình a) ở phần ngón cái 2 bên (tính từ nếp khóe móng – mũi tên màu xanh cho đến phần giới hạn bởi giường móng – mũi tên màu đỏ). Những móng tay khác có tiểu nguyệt lớn nhẹ đến trung bình (đánh dấu bởi các chấm đen). Trên trường hợp này đồng thời cũng ghi nhận được hiện tượng viêm quanh móng 2 ở cả 2 bên.

Tiểu nguyệt lớn có thể gặp trong các tình huống như:

  • Nguyên phát (gặp ở những người bình thường, đặc biệt chủng người Ấn Độ)
  • Bất thường về nội tiết như trong cường giáp
  • Nhiễm trùng hệ thống (bệnh phong…) và một số bệnh lý hệ thống (bệnh lý mạch máu ngoại biên, xơ cứng bì)
  • Các bệnh lý da và móng (loạn dưỡng móng, u xơ niêm đầu chi nông). Trong loạn dưỡng móng bắt nguồn trung tâm thì có một đặc điểm nhận diện là phần móng mất đi độ bóng, tạo các đường vân, sọc. Chúng thường bắt đầu ở phần trung tâm và rộng dần ra ở ngoại vi của móng, tạo nên hình ảnh cây thông noel lộn ngược.
  • Một số thuốc (sau một thời gian dài sử dụng kem bôi có chứa corticoid lên phần khóe móng và da quanh móng)
  • Bệnh lý di truyền như loạn sản xương – móng, hội chứng móng – xương bánh chè (tứ chứng: không có xương bánh chè, biến đổi móng tay chân, bất thường gai chậu và bất thường khuỷu tay). Đặc trưng của tiểu nguyệt lớn trong nhóm này thường có đó là hình tam giác kích thước lớn.
  • Các chấn thương hoặc vi chấn thương kéo dài (các rối loạn móng liên quan đến tật cắn móng tay, gõ ngón tay, thói quen sờ cạy phần da viền móng và quanh móng…). Những tác động này có thể dần làm biến đổi nền móng bên dưới và gây các vấn đề móng đi kèm khác.

Giả tiểu nguyệt lớn (pseudomacrolunula) là tình trạng liên quan đến phần mô dưới móng, đôi khi bị nhầm lẫn với hiện tượng này.

Đánh giá tiểu nguyệt chỉ là một khâu nhỏ không thể thiếu trong quá trình thăm khám cơ quan móng, da bên cạnh việc đánh giá toàn diện khác đi kèm. Chính vì vậy, chỉ đơn thuần một dấu hiệu thì không nên đi đến kết luận hoặc lo sợ bị vấn đề này kia như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu có băn khoăn nào, hãy quên google đi và tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và đánh giá chính xác nhất.

Bài viết này không đề cập những dấu hiệu nhận diện bất thường về tiểu nguyệt như nhận diện các bệnh lý làm biến đổi màu sắc (đen, xanh, đỏ, vàng), biến đổi về hình thái… Hẹn bạn đọc ở một chủ đề khác trên blog này. Hãy để lại câu hỏi hoặc vấn đề mình quan tâm bên dưới nhé!

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu:

  • Amer M, Mostafa FF (2000). Importance of visible lunula in healthy and diseased fingernail plates. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2000 Jul;14(4):329-32.
  • Archana Singal and Rahul Arora (2015). Nail as a window of systemic diseases. Indian Dermatol Online J. 2015 Mar-Apr; 6(2): 67–74. doi: 10.4103/2229-5178.153002
  • Basu P, Cohen P R (July 18, 2018) Macrolunula: Case Reports of Patients with Trauma-associated Enlarged Lunula and a Concise Review of this Nail Finding. Cureus 10(7): e2998. doi:10.7759/cureus.2998
  • Diseases of the Nails and their Management (2019, Wiley-Blackwell)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here