Viêm da tiếp xúc với khẩu trang – chuyện mùa dịch!!

0
2842

Vấn đề này nằm trong nhóm bệnh lý da nghề nghiệp, thường gặp phải ở những người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như y tá, bác sĩ, kĩ thuật viên xét nghiệm, hộ lý, chế biến thức ăn…  Tuy nhiên trong tình trạng dịch corona đang hoành hành như vậy thì tình trạng này lại nổi cộm lên như một điều tất yếu. Đặc biệt đối với những người có tình trạng da nhạy cảm, tiền sử cơ địa dị ứng thì cần có những lưu tâm đặc biệt.

Vấn đề liên quan sử dụng khẩu trang

Tuy nhiên, có rất ít các tài liệu đề cập đến vấn đề này, chủ yếu trước đây được công bố trong vụ đại dịch SARS giữa 2002 và 2004 (phần lớn liên quan đến phản ứng phụ của da khi mặt nạ N95). Nghiên cứu của Foo và cộng sự tại Singapore chỉ ra có đến 35.5% những nhân viên y tế sử dụng mặt nạ N95 thường xuyên trong thời gian dịch SARS xuất hiện các phản ứng da (59.6% nổi mụn, 51.4% ngứa da mặt, 35.8% xuất hiện phát ban da).

Những con số ghi nhận được cho thấy vấn đề này không phải là chuyện gì đó quá xa xôi. Chính vì vậy, củ đề này tôi sẽ dành riêng để đề cập đến tình trạng ngứa da mặt và phát ban da xuất hiện khi sử dụng mặt nạ và những lời khuyên phòng tránh.

Vì sao mang khẩu trang nhiều lại gây viêm da?

Viêm da tiếp xúc với khẩu trang có thể đến từ kích thích cơ học, hóa chất hoặc dị ứng với các hóa chất được sử dụng trên sản phẩm hoặc lưu lại trong quá trình sử dụng.

Hàng rào da bị tổn thương

Như chúng ta đã biết, hàng rào da là một phần rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch bảo vệ của cơ thể, chúng có cơ chế tác động như một hàng rào bảo vệ tự nhiên đối với rất nhiều chất có khả năng gây kích ứng, dị ứng hoặc các yếu tố nhiễm trùng, các tác nhân cơ học, vật lý khác.

Nhưng khi tình trạng cọ xát, tiếp xúc lặp đi lặp lại với nước hoặc một số chất dễ gây kích ứng sẽ gây tích lũy hiện tượng phá hủy hàng rào bảo vệ da và dần biểu hiện ra tình trạng viêm da tiếp xúc nhìn thấy (mechanical dermatitis).

Mồ hôi, nước bọt là yếu tố thúc đẩy

Khi sử dụng khẩu trang trong thời gian quá dài sẽ gây bí, đổ mồ hôi, nước bọt khi nói hoặc các chất từ trong giọt bắn khi ho, hắt hơi đọng lại sẽ có thể làm khởi phát đợt cấp của tình trạng nhạy cảm da trước đó hoặc gây kích ứng da.

Đặc biệt nếu bạn hoạt động, làm việc ở môi trường nóng ẩm thì tình trạng này càng dễ xuất hiện hoặc bạn có cơ địa dị ứng (đặc biệt những người thường xuất hiện ngứa da ở những vị trí hay đọng mồ hôi như các nếp khoeo, khuỷu, vị trí mặc áo quần chật).

Tiếp xúc các chất dị ứng, kích ứng

Với những người có cơ địa nhạy cảm, phá hủy hàng rào da có thể làm tăng phơi nhiễm với các dị nguyên và dẫn đến mẫn cảm (biểu hiện bằng tình trạng mày đay hoặc viêm da tiếp xúc dị ứng).

Những tác nhân dị ứng thường gặp như thiuram và carbamates (chất phụ gia trong sản xuất cao su), thiomersal (chất bảo quản vaccine), benzakonium chloride (chất bảo quản), formaldehyde, glutaraldehyde (khử trùng), quaternium 15 (chất bảo quản), hương liệu. Chỉ có rất ít báo cáo về dị ứng tiếp xúc liên quan đến khẩu trang phẫu thuật.

Trong áo choàng và khẩu trang sử dụng một lần (dùng trong y tế) được một số tài liệu đề cập đến vì khả năng liên quan đến formaldehyde, quaternium-15. Một số báo cáo liên quan đến thiuram trong dây đeo tai của khẩu trang.

Chất liệu được dùng làm khẩu trang

Một tình trạng viêm da tiếp xúc do khẩu trang

Những chất liệu được sử dụng làm khẩu trang cũng có thể gây nên tình trạng dị ứng. Các hóa chất và thuốc nhuộm được thêm vào trong quá trình sản xuất có thể gây các vấn đề về da.

Trong đó, đặc biệt với những khẩu trang có màu sắc sặc sỡ. Các chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) cũng như các chất kích ứng da trong các thành phần của thuốc nhuộm sợi vải (đặc biệt phải kể đến một số chất như Disperse Blue 124, Dispaerse Blue 10 và Disperse Yellow 104, formaldehyde resins, dị nguyên từ cao su, và các chất sáp, hóa chất phủ còn lại ở công đoạn sau cùng).

Giặt giũ sạch có thể giúp loại bỏ bớt lượng chất tự do chứa trong các thớ sợi vải, cho nên một điều lưu ý là với các khẩu trang vải thì cần giặt sạch trước khi sử dụng.

Những dấu hiệu gợi ý vấn đề da do khẩu trang

Những dấu hiệu gợi ý bạn đang gặp phải tình trạng viêm da tiếp xúc như:

  • Ban đỏ
  • Ngứa, thậm chí là ngứa dữ dội
  • Da khô, bong vảy, nứt nẻ
  • Xuất hiện mụn nước, đôi khi rịn dịch hoặc đóng vảy
  • Sưng nề, bỏng rát, châm chích

Khi nào cần khám bác sĩ chuyên khoa?

  • Ban da khiến bạn khó chịu, mất ngủ hoặc ảnh hưởng sinh hoạt/công việc hàng ngày
  • Ban da xuất hiện đột ngột, đau nhức hoặc diện rộng
  • Khiến bạn mất tự tin
  • Ban không giảm đi sau một vài ngày đã thử điều trị với kem dưỡng ẩm, làm dịu da hoặc các kem không cần kê toa

Biện pháp dự phòng viêm da do khẩu trang

Những điều mà bạn có thể thực hiện để giúp dự phòng các vấn đề gặp phải khi phải mang khẩu trang thường xuyên như:

  • Lựa chọn chất liệu vải của khẩu trang có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, mềm mại, tránh những chất liệu có sợi thô, sợi lông len. Thận trọng với những chất liệu sợi vải không dệt (ví dụ như khẩu trang y tế thuộc nhóm này – chỉ dùng khi cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt với những người có tiền sử dị ứng với các dẫn xuất formaldehyde).
  • Tránh lựa chọn những loại khẩu trang có màu sắc sặc sỡ (hồng, tím…)
  • Lựa chọn kích cỡ khẩu trang phù hợp, độ chặt dây đeo vừa phải
  • Các khẩu trang vải thì cần được giặt sạch trước khi sử dụng lần đầu.
  • Những người có làn da nhạy cảm, ngứa, châm chích nên sử dụng các sản phẩm bột giặt dành cho da nhạy cảm, không đậm đặc, hoặc có dán nhãn mô tả Free & Gentle.
  • Tránh tất cả các sản phẩm làm mềm vải sợi, nước xả vải hoặc giấy làm thơm quần áo đối với khẩu trang vải.
  • Cần thay khẩu đổi khẩu trang mỗi ngày hoặc khi cảm thấy khẩu trang dính bẩn (chất nhầy, dịch mũi, có mùi khó chịu..)
  • Tối ưu các bước chăm sóc da hàng ngày, đặc biệt là bước dưỡng ẩm, tăng cường chức năng bảo vệ hàng rào da.
  • Rửa mặt nhẹ nhàng với sữa rửa mặt nhẹ dịu ngày 2 lần và với nước sạch thông thường mỗi khi đổ mồ hôi nhiều, cảm giác da mặt nhờn bí trong ngày.
  • Khi xuất hiện các dấu hiệu sớm của đỏ, khô, châm chích, ngứa da mặt thì cần ngưng lại các sản phẩm dễ gây kích ứng – dị ứng da (AHAs, BHA, retinoids, một số tinh dầu…) và bước làm sạch vật lý như các loại tẩy tế bào chết có hạt, massage da mặt, máy rửa mặt, các loại mút xốp hoặc vải sợi thô…
  • Xem xét lại những thay đổi đi kèm khác gần đây: có sử dụng sản phẩm trang điểm mới, kem mắt, nước hoa, dầu gội đầu, kiểu tóc mới – nhuộm tóc, dao cạo râu, gối ngủ, điện thoại mới… Nếu nghi ngờ, hãy thử ngưng sản phẩm, theo dõi và khám bác sĩ chuyên khoa khi cần.
  • Với những vị trí tiếp xúc nhiều khiến da đỏ, rát hoặc khó chịu như mặt sau tai, bờ xương hàm dưới, vùng nhô cao xương gò má thì có thể thoa thêm một lớp dưỡng ẩm dạng kem hoặc mỡ (ví dụ như một số sản phẩm như Aquaphor Baby Healing Ointment, A-Derma Epitheliale A.H, Cicabio Soothing Repairing Cream, Avène Cicalfate Repair Cream…)  hoặc kem bôi kẽm oxide (trong các kem thoa hăm tả cho bé).
  • Những trường hợp có tình trạng viêm kẽ tai, bong vảy đỏ da vùng quanh tai cần lưu ý vệ sinh chăm sóc da, đặc biệt tránh đọng nước, bọt xà phòng – dầu gội sau khi tắm tại các vị trí dễ bỏ sót này. Tránh tạo điều kiện cho tình trạng tệ đi khi mang khẩu trang thường xuyên.
  • Phần lớn các kem dưỡng ẩm có tác dụng làm dịu da có thể kiểm soát được các tình trạng ban da kích ứng đơn thuần. Không tự ý điều trị với các kem bôi da không rõ thành phần, hoặc các thuốc bôi cần kê toa khi có phát ban trên vùng mặt xuất hiện khi mang khẩu trang.
  • Từ chối các loại thuốc thoa (thuốc kê toa) được quầy thuốc đưa cho bạn mà không cần hỏi đến toa của bác sĩ bởi vì vùng da mặt có những đặc tính riêng biệt. Chỉ có loại kem thoa hydrocortisone 1% thuộc nhóm nhẹ corticoid dùng ngoài da mà bạn có thể mua tại các quầy thuốc mà không cần kê toa (OTC). Và nếu cần thiết, chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, không dùng lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Khi có hiện tượng tái phát hoặc chậm, không đáp ứng thì tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị. Lưu ý là với loại hydrocortisone butyrate thì có tác dụng lên da mạnh hơn cho nên chỉ dùng loại này khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Hạn chế các động tác như chống tay lên cằm. Không sờ nặn, cạy gỡ vảy da khi xuất hiện mụn, ban da bong vảy
  • Thực hiện đeo khẩu trang trong những trường hợp cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tổ chức Y tế thế giới trong mùa dịch này

Theo Bộ Y Tế khuyến cáo:

1. Người dân chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp sau đây:

  • Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus nCoV.
  • Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi…
  • Khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

2. Người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

3. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí và có thể tạo cảm giác yên tâm “ảo”, khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu:

  • American Academy of Dermatology: “Saving face: Dermatologists helping patients identify source of facial allergic contact dermatitis.” News release issued August 1, 2013.
  • Donovan J, Skotnicki-Grant S (2007). Allergic contact dermatitis from formaldehyde textile resins in surgical uniforms and nonwoven textile masks. Dermatitis. 2007 Mar;18(1):40-4.
  • Faisal M Al Badri (2017). Surgical mask contact dermatitis and epidemiology of contact dermatitis in healthcare worker. Current Allergy & Clinical Immunology, September 2017, Vol 30, No 3.
  • Paredes V, Paredes C (2010). Allergic contact dermatitis associated with the use of facemask on a patient with a history of atopy. J Dent Child (Chic). 2010 Sep-Dec;77(3):177-9.
  • R. J. G. Rycroft, T. Menne, P. J. Frosch. Textbook of Contact Dermatitis, Edition 3th. Springer-Verlag New York, LLC

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here