“Tôi thương miền quê… nhớ hoàng hôn trên đất xưa
Nghe… tiếng tiêu mơ màng chiều hè
Tôi… yêu người xưa… áo nâu hương duyên thật thà
Đời… mặn nồng hồng lên đôi má…”
Đó là những lời ca mở đầu trong bài hát Nhạt nắng của tác giả Y Vân & Xuân Lôi, và đó cũng là tuổi thơ tôi. Nhớ sao những ngày hè mơ màng, nhớ sao những lúc lấm lem bùn từ đầu đến chân đi mò cua bắt ốc. Khác với người lớn như bố mẹ tôi thì lịch quanh năm chỉ có 2 ngày là ngày mùa và những ngày còn lại không phải ngày mùa. Còn tụi tôi thì đơn giản hơn đó là ngày phải lết đến lớp và ngày nghỉ học.
Thực tế thì tôi cũng mong đến ngày mùa lắm (mùa lúa chín), không phải vì ngóng xem có được mùa gì hay không mà đơn giản là lúc đó cũng là thời điểm được nghỉ hè, các kênh mương đều cạn khô và các bậc phụ huynh thì bận túi bụi vào vụ mùa. Và dĩ nhiên, tụi nhỏ như tôi có cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa để “hoạt động”. ^^
Thường thì trước khi vào mùa gặt, thủy nông sẽ cắt nước cung cấp cho các ruộng lúa và khi ấy các đường kênh mương dẫn nước đều cạn khô nước, chỉ còn mức nước lấp xấp ngang nửa cẳng chân mà thôi. Có đôi chỗ lòng mương bị sạt lở thì nó trơ ra như cái mô đất trống, ngăn đôi cái dòng chảy mà tụi tôi hay lấy đó làm một đầu đập ngăn nước. Còn đầu kia thì vắt bùn trộn với rong lá bện lại, ấy thế là có cái vũng nhỏ. Tất cả mọi thứ ban đầu diễn ra khẩn trương lắm, chả đứa nào nói với nhau câu nào. Vì sợ cứ động mạnh, nói to là tụi cá nghe lại chạy đi mất. Rồi một đứa lấy cái rỗ chổng mông lùa quanh hết quanh cái vũng đó để rà soát bắt hết lượt một, hai ba đứa còn lại lấy thau tát nước ra ngoài cho cạn. Nhiều bữa phát sinh đột xuất không chuẩn bị xô châu gì thì có khi đôi dép tông Lào lại có hiệu quả tát nước ra trò. Chiến lợi phẩm thường có đủ thứ loại như trai sông, ốc, cá bống sông, cá mú, lia thia, tôm và chiếm số lượng nhiều nhất thì chắc là cá mại mại.
Những bữa như thế tụi tôi chỉ có hai cái sợ chung mà đứa nào cũng giống đứa nào.
Cái sợ thứ nhất là bị bố đánh đòn. Bởi thế, sau khi đạt được chiến lợi phẩm đã chia nhau xong thì đứa nào cũng chạy vù về nhà, thường thì bằng lối sau vườn. Những lúc ấy, công việc đầu tiên không phải là xem lại thành quả hôm nay thu được gì mà là phải cởi thật nhanh cái bộ đồ lấm lem bùn, và dội thật nhanh nước cho trôi hết bùn đất mà tôi nghĩ chắc không sót chỗ nào trên người. Cái cảm giác đó khẩn trương lắm, nó khác những bữa phi vụ được thầy cô cho nghỉ đột xuất. Thế là cả tụi con trai rủ nhau đi tắm sông, đôi khi cũng có cả mấy đứa con gái nữa. Thường thì chúng tôi cũng ít rủ thêm đứa con gái nào, bởi lẽ tha hồ cởi bỏ hết mọi thứ mà không tốn thời gian phải sấy khô tự nhiên áo quần cho khỏi bị phát hiện. Nói là sấy chứ tụi tui có cả khối thời gian, trong thời gian đó chúng tôi còn kịp đi loanh quanh hái ổi hoang, hái mua ăn. Tôi nhớ, cũng có lần cả đám đi hái trộm ổi nhà bà L bị phát hiện đuổi chạy té khói.
Cái sợ thứ 2 là những cơn ngứa (1). Ngứa đến nỗi ám ảnh luôn ấy, có bữa gãi cho trợt máu. Những bữa đó thì mặc dù bị bại lộ không thể dấu nhưng cũng khó mà bị đánh được. Những lần ấy, có bữa được sửa soạn cho thau nước lá trầu, bữa lá voan (2), có bữa đến cả nửa đêm rồi mà không biết bố mẹ tôi lóc cóc đạp xe mua thuốc ở đâu mà hắn đắng nghét. Đắng thiệt… Mẹ tôi thường bảo những nước nào có vịt lội thì khi tắm lội nó ngứa, tôi cũng chả biết vì do nguyên nhân gì mà hình như là khi ấy cũng chả thắc mắc. Theo kinh nghiệm của tôi rút ra để an toàn thì những chỗ như vũng nước đọng cạn và ấm hơn các chỗ khác, nước đục hơn bất thường thì tôi hay né ra. Ấy vậy mà có hôm vẫn bị. Chết thật…!
Mới đây hai hôm trước, cũng có cô con gái dẫn mẹ đi khám bệnh. Cô gái thì tôi đoán cỡ khoảng hơn ba mươi gì đấy thôi, chắc làm việc liên quan văn phòng. Bà mẹ thì tóc đã ngã sợi bạc nhiều hơn sợi đen, tay nhăn nhúm, chai sần, các móng tay cái thì vỡ dọc, cái thì sần sùi, nhuốm đen. Hai tay bà cứ khư khư bấu nhau, tay ngồi khép gọn lắm cơ. Hai chân thì chi chít đầy các chấm đỏ, mụn nước dày đặc từ đầu gối trở xuống không chừa chỗ nào, một số chỗ còn bị trợt ra bắt đầu đóng dịch vàng, xung quanh tấy đỏ nhiều hơn, một số thì đã bắt đầu chuyển sang màu thâm nâu. Tôi đoán thì chắc bà cũng phải chịu cái cảnh này khoảng 5-7 ngày gì đó rồi (3).
“Bà đi lội nước người ta mới phun thuốc đấy bác sĩ”. Cô gái nói vừa nói vừa nhìn vào bà mẹ, hai chân mày hơi nhíu lại, tay trái chống vào hông.
Chuyện là bà thường cắt rau muống để bán cho người ta, đợt rồi không hiểu sao do phun thuốc hay do gì khác mà các chân viêm tấy nhiều hơn. Rồi cứ thế thoa dầu nóng, rồi gãi nhưng mãi không đỡ, rồi nhiễm trùng ra đó mới được đưa đi khám. Tôi kê đơn thuốc cho bà với một số thuốc giảm ngứa, kháng sinh điều trị nhiễm trùng, một tuýp kem bôi da, những gì cần lưu ý vào lời dặn rồi chậm rãi hướng dẫn từng thứ một, vòng rõ vào trong đơn thuốc và không quên hỏi lại xem bà có đọc rõ không.
Chuyện thế đấy, có những ngày ta thơ bé dù có lội bùn, mò cua bắt ốc có ngứa đến cỡ nào cũng được bố mẹ quan tâm từng li từng ti mà không nỡ nào đánh mắng, hay mảy may một chút khó chịu nào. Lớn lên rồi, nhiều thứ phải lo quá – này là con cái, này là công việc, này là hôm nay ăn gì, ngày mai đi xem phim gì – đôi khi bỏ quên những thứ quan trọng nhất… mà ta cứ ngỡ là phiền phức, khó chịu, bực dọc.
“Hoàng
hôn phai nắng.
Chân trời xa vắng.
Còn đâu tiếng tiêu buông.
Chiều tà…”
Một cảm giác trĩu nặng vào cuối chiều cùng những giai điệu cuối của bài hát “nhạt nắng” bên tai.
Những thông tin có thể hữu ích cho bạn đọc!
- (1) Những cơn ngứa sau khi tiếp xúc với nguồn nước lạ ngoài trời thường hay gặp nhất được gọi là viêm da nổi mẫn do ấu trùng cercaria (cercarial dermatitis). Bệnh còn có tên gọi khác thường được sử dụng là bệnh ngứa ở người bơi lội (swimmer’s itch), hoặc viêm da Bade, hoặc bệnh “weiherhippel”. Tác nhân gây bệnh là do một loại kí sinh trùng của sán lá vịt (trichobilharzia ocellate). Ngoài vịt thì những loại thủy cầm hoặc động vật có vú khác như ngỗng, mòng biển, hải ly, chuột sông cũng có thể mang kí sinh trùng trong máu. Trứng của kí sinh trùng ra ngoài nước theo phân kí chủ, trước khi lây nhiễm cho người, chim hoặc một số động vật thì trứng sẽ nở và kí sinh trùng sẽ sống ở ngoài một thời gian ngắn trong một số loại ốc, đặc biệt là từ các loại ốc sông. Ốc thì thích nước nông, bóng râm cho nên tình trạng này hay gặp khi lội nước là nhiều. Khi vào da, chúng gây phản ứng ban da kiểu mày đay, các sẩn đỏ hoặc có thể là mụn nước. Các triệu chứng có thể thoáng qua nhưng đa phần gây ngứa trong vài ngày kéo dài đến vài tuần. Khả năng xâm nhập nhận diện của sán phụ thuộc vào các chất cấu trúc bảo vệ trên da người, biên độ nhiệt độ nước, dòng chảy và bóng râm. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng, chúng không sống được trên da người để mà di chuyển gây ra các vấn đề nhiễm sán gì này nọ đâu nhé. Xác của chúng vẫn có thể tồn tại ở da một thời gian và được cơ thể đào thải sau đó. Bệnh không lây truyền từ người này sang người khác. Bệnh thường gặp ở trẻ con hoặc những người làm nông.
- (2) Những biện pháp đắp hoặc tắm nước lá thường được cha ông hay sử dụng. Dĩ nhiên nó có những thành phần mang đến hiệu quả trị liệu như các chất giảm viêm, làm dịu da và diệt khuẩn tự nhiên đến từ các gốc dẫn xuất phenolic, ethanolic, các gốc neral, citral… Tuy nhiên có nhiều phản ứng phụ gây ra đã được chứng minh do các loại lá ấy, trong đó có hiện tượng mất sắc tố da tiếp xúc, viêm da dạng u hạt do lá trầu không, hoặc những phản ứng dị ứng dạng viêm da bọng nước khác. Hiện nay, y học đã tinh chế ra rất nhiều sản phẩm lấy những thành phần cần thiết cho việc trị liệu và có thể mang đến hiệu quả điều trị rất tốt. Nếu bạn gặp phải tình huống này thì có thể sử dụng kem không kê toa như hydrocortisone 1% có thể mua ở quầy thuốc và sử dụng trong vài ngày để giảm triệu chứng, hoặc một số thuốc giảm ngứa thông thường như clopheniramin (thuốc dù) để giảm thiểu triệu chứng ngứa. Hạn chế cào gãi, có thể chườm lạnh để giảm ngứa nếu như bạn không thể chịu đựng được cảm giác đó. Nếu tình trạng không cải thiện tốt hoặc có diễn tiến bất thường khác thì nên khám bác sĩ chuyên khoa da liễu uy tín.
- (3) Bệnh thường ít khi gây biến chứng gì đáng kể, chủ yếu liên quan đến nhiễm trùng da do tác động cào gãi hoặc vẫn tiếp tục lội nước khi đã có hiện tượng ngứa, vết trợt gãi trên da. Để phòng tránh điều này, một khi xuất hiện triệu chứng ngứa khi tiếp xúc nguồn nước nào đó cần rời khỏi và tắm rửa ngay bằng nước sạch, sau đó chà khô thật mạnh với khăn tắm sạch. Áo quần khi sử dụng trong môi trường này cần được giặt sạch và là kĩ trước khi dùng lại. Hạn chế tiếp xúc vời vịt, ngỗng hoặc nguồn nước chúng hoạt động. Có thể thoa các kem dưỡng ẩm chống nước như Vaseline trước khi tiếp xúc với môi trường nguy cơ cao, mang ủng hoặc thiết bị bảo hộ.
Link bài hát “Nhạt nắng” cho những ai muốn nghe. Mọi chia sẻ xin vui lòng ghi rõ nguồn. Cảm ơn quý bạn đọc đã dành thời gian quan tâm!