Sự quay trở lại lần hai của covid khiến cho facebook của tôi lần này cũng thêm phần nhộn nhịp bởi những tin nhắn hỏi bệnh. Đa phần là các vấn đề về ngứa và ban da, trong đó phần lớn là hiện tượng bùng phát của viêm da dị ứng. Chủ đề bài viết này sẽ cùng bạn đọc nêu ra một số vấn đề và gợi ý giải pháp cho bạn.
Viêm da cơ địa (hay còn được gọi là chàm cơ địa) là một bệnh lý da viêm đặc trưng bởi ngứa, dai dẳng và tái phát. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, gây ngứa có thể kèm theo những tổn thương da, nhiễm trùng và ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt (đặc biệt là giấc ngủ) của trẻ và gia đình. Ở người lớn thường gặp ở những thể khu trú hoặc ở những vị trí đặc hiệu như khuỷu tay, gáy, cẳng chân, bàn tay bàn chân, quanh mắt, da đầu… Mặc dù có sự liên quan chặt chẽ của bệnh đến yếu tố di truyền, tuy những yếu tố khác đến từ môi trường và đời sống cũng ảnh hưởng nhiều đến bệnh.
Các vấn đề da cơ địa thường gặp phải trong mùa dịch?
Dịch đến, nó xáo trộn hết mọi thứ…
Dịch đến, mọi người được khuyến cáo không nên ra ngoài. Môi trường trong nhà tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi phát triển mạnh của các chủng mạt nhà. Tôi đã có dịp đề cập chi tiết về vấn đề dị ứng gây ra do mạt bụi nhà trong bài viết trước đây, bạn đọc có thể tham khảo thêm tại bài viết “Mạt bụi nhà – “tí hon” không phải là vấn đề, mà là vấn đề lớn!” Bên cạnh đó, môi trường trong nhà cũng gia tăng các chủng nấm mốc trong phòng, mồ hôi, ẩm thấp trên giường chiếu, áo quần cũng làm gia tăng mẫn cảm dị ứng.
Dịch đến, sinh hoạt nhiều gia đình giới hạn lại trong những căn hộ khép kín ít có sự lưu thông không khí, gia tăng tích tụ bụi sinh hoạt, chỉ phụ thuộc vào những quạt thông gió chạy ù ù suốt ngày trong phòng tắm, nhà vệ sinh thông thường cũng không cải thiện được vấn đề; Bên cạnh đó, thời gian tiếp xúc điều hòa không khí thường xuyên hơn khiến cho da khô, mất nước cũng khiến tình trạng tệ hơn.
Dịch đến, nhiều người rơi vào những vấn đề tâm lý khác nhau do mất việc, nghỉ việc, vấn đề gia đình hay chỉ đơn giản là không còn làm những công việc hàng ngày một cách trọn vẹn. Stress, trầm cảm, lo âu khiến viêm da cơ địa có xu hướng bùng phát nặng hơn. Nhiều người tìm đến các vật nuôi để bầu bạn, hoặc những ai đã yêu thích vật nuôi thú cưng trước đó thì quả thực đây là thời gian mà cả hai có sự tiếp xúc một cách thân mật đáng kể. Tôi cũng đã có dịp kể cho các bạn nghe câu chuyện về vấn đề dị ứng liên quan vật nuôi tại bài viết “Cheyletiella – Bạn thân và kẻ thủ ác, vòng xoáy nghịch cảnh”
Dịch đến, nhiều ông bố chọn luôn một góc nào đó trong nhà làm nơi để hút thuốc lá. Và thực tế những gia đình có người hút thuốc lá, đặc biệt tiếp xúc gần với phụ nữ mang thai và trong 1 năm đầu đời, thường có nguy cơ cao xuất hiện viêm da cơ địa. Trong những điều kiện bình thường, tiếp xúc với khói thuốc lá cũng khiến cho nhiều bệnh lý da viêm có xu hướng bùng phát nặng hơn. Sử dụng thường xuyên hơn các chất kích thích như bia rượu, các loại thức ăn nhanh cũng là yếu tốt góp phần làm tình trạng tệ hơn.
Dịch đến, nhiều người chuyển công việc của mình sang làm online tại nhà trên máy tính/điện thoại, nhiều người mất việc nhận thêm một công việc gia công nào đó tay chân tại nhà, nhiều người có thêm thời gian để thực hiện các công việc nội trợ gia đình hoặc một đam mê nào đó… Và điều đó cũng làm gia tăng hiện tượng tiếp xúc với các chất tẩy rửa, hóa chất, thực phẩm, các yếu tố cọ xát và cũng gia tăng khả năng bùng phát viêm da bàn tay. Bạn đọc có thể xem thêm tại bài viết “Mất dấu vân tay do nguyên nhân gì và phải làm sao?”
Dịch đến, mọi người được khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tiếp xúc với người khác. Và không ít trường hợp gặp phải vấn đề khi sử dụng như bùng phát mụn hoặc viêm da tiếp xúc. Ở những trường hợp có tình trạng viêm da cơ địa sẵn có thì cũng thuộc vào nhóm nguy cơ gặp phải vấn đề này. Bạn đọc có thể xem thêm hướng dẫn để hạn chế tình trạng này tại bài viết “Viêm da tiếp xúc với khẩu trang – chuyện mùa dịch!!”
Dịch đến, ai cũng lo sợ phải tiếp xúc những nơi như bệnh viện, phòng khám. Các vấn đề về da thường ít khi gây nguy hiểm cho nên nhiều trường hợp bệnh tự điều trị với các loại lá, kem thoa được giới thiệu, rao bán online, từ một tìm kiếm google và sau đó bùng phát nặng, nhiễm trùng…
Vậy thì phải làm thế nào để hạn chế được các vấn đề trên?
- Trước hơn hết là mọi người cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch.
- Thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ; hạn chế sử dụng điều hòa, đảm bảo thông thoáng không khí.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hàng ngày bằng các dung dịch tẩy rửa thông thường. Khi lau sàn nhà thì tốt nhất nên dùng giẻ, khăn hoặc cây lau sàn ẩm (không nên để khô) để loại bỏ bụi và các chất được phát tán bề mặt.
- Những vật liệu thảm nhà, bề mặt nệm sofa bằng sợi vải thô, dài khó để làm sạch; bề mặt đá lát nền, gỗ hoặc những bề mặt nhám nên được thay thế hoặc loại bỏ tối đa ở môi trường sinh hoạt. Nếu thấy không thực sự cần thiết thì hãy bỏ đi thảm nhà, nệm, rèm cửa, gấu bông, gối ôm và những độ trang trí lặt vặt khác hoặc chuyển đổi sang loại ra giường nệm, gối ôm bằng sợi tổng hợp với sợi bện khít
- Sử dụng máy hút bụi nên thực hiện một cách thường xuyên, đặc biệt là những vật dụng trong buồng ngủ. Nên sử dụng màng lọc dày đôi hoặc màng lọc HEPA để đạt kết quả cao nhất. Với bề mặt nệm chiếu nên sử dụng với áp lực hút mạnh hơn thông thường. Lưu ý là khi vệ sinh phòng thì tránh cho trẻ hoặc người bệnh chơi, hoạt động trong phòng. Và tốt nhất là đợi khoảng 2 tiếng sau mới vào hoạt động sinh hoạt bình thường lại.
- Chăn màn, khăn tắm cũng nên được giặt giũ và làm sạch với nước nóng thường xuyên. Tốt nhất là mỗi tuần và với nhiệt độ tối thiểu là khoảng 54.4 độ C. Nếu vật dụng không thể giặt nước nóng thì hãy bỏ vào máy sấy khoảng 15 phút với nhiệt độ trên 54.4 độ để tiêu diệt mạt và sau đó giặt sạch để loại bỏ chất tiết, chất phân của chúng. Làm lạnh đông vật dụng khoảng 24 giờ cũng có thể diệt được mạt nhưng cách này lại không loại bỏ được xác và các chất phân của chúng.
- Vệ sinh màng lọc các thiết bị máy lọc, điều hòa, máy quạt thường xuyên. Ít nhất là mỗi 3 tháng một lần.
- Có thể sử dụng những sản phẩm sát khuẩn tay nhanh thay vì sử dụng xà phòng nếu da không có vết bẩn nhìn thấy mà cần phải rửa
- Mặc găng tay tay cao su khi tiếp xúc với nước, các hóa chất công nghiệp hoặc găng tay chế biến thức ăn khi tiếp xúc thức ăn như thịt cá, bột mì… Nếu bạn có cơ địa dị ứng với cao su, có thể sử dụng 1 lớp găng tay vải mỏng bằng chất liệu cotton trước khi mang găng cao su bên ngoài. Găng tay cao su có thể gây phản ứng dị ứng muộn ở những người nhạy cảm, do đó nếu có điều kiện thì hãy sử dụng bộ đôi găng tăng kép để tăng hiệu quả bảo vệ (vải trong, cao su ở ngoài).
- Luôn sử dụng dưỡng ẩm để thoa đều đặn, đặc biệt quan trọng nhất vào thời điểm sau tắm, rửa, sau khi sử dụng các dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
- Vệ sinh chăm sóc cá nhân đều đặn với các sản phẩm nhẹ dịu. Tránh những thành phần thường gây kích ứng, dị ứng da như: hương liệu, chất bảo quản như formaldehyde, isothiazolinones, cocamidopropyl betaine, sodium lauryl sulfate… thường có trong dầu gội đầu, sản phẩm phun xịt, các sản phẩm công nghiệp, đồ vải sợi có màu sắc sặc sỡ…
- Trong giai đoạn ban đầu gặp phải vấn đề ban da, ngứa có thể sử dụng những sản phẩm dưỡng có chứa các chất làm dịu da, giảm viêm được thiết kế nhỏ gọn có thể là lựa chọn tốt và không giới hạn số lần thoa mà bạn có thể luôn mang theo bên mình được. Có thể kể ra như Aquaphor Baby Healing Ointment, A-Derma Exomega, Avène xeracalm, các kem có chứa urea hoặc dẫn xuất heparin như axcel urea, SVR Xerial 10 lait Corps… hoặc đơn giản là Vaseline, dầu dừa cũng có thể lựa chọn được. Hoặc có thể sử dụng các tuýp kem không kê toa chứa hydrocortisone 1% tại các quầy thuốc. Trong những tình huống sau khi sử dụng một thời gian mà tình trạng không cải thiện thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, điều trị hợp lý.
- Giữ ấm cơ thể, tập thể dục (tại nhà) đều đặn, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxi hóa và kẽm như cá hồi, hàu, các loại quả mọng, các loại hạt khô, các loại rau sậm màu… Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích, thức ăn nhanh…
Trên đây là những hướng dẫn chung nhất để bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng trong chăm sóc da mùa covid, không những trong trị bệnh mà cả trong phòng bệnh. Giữ gìn sức khỏe tốt và đừng quên like, share, ghi nguồn nếu thấy bài viết ý nghĩa nhé!
Tài liệu tham khảo:
- Jung Hyun Lee et al (2012). Surveillance of home environment in children with atopic dermatitis: a questionnaire survey. Asia Pac Allergy. 2012 Jan; 2(1): 59–66. Published online 2012 Jan 31. doi: 10.5415/apallergy.2012.2.1.59
- Ming Zhang et al (2013). Effects of home environment and lifestyles on prevalence of atopic eczema among children in Wuhan area of China. Chinese Science Bulletin volume 58, pages4217–4222(2013).
- Nina Vindegaard and Michael Eriksen Benros (2020). COVID-19 pandemic and mental health consequences: Systematic review of the current evidence. Brain Behav Immun. 2020 May 30 doi: 10.1016/j.bbi.2020.05.048
- Nlandu Roger Ngatu and Mitsunori Ikeda. Atopic Dermatitis (or Atopic Eczema), Epidemiology, Current Knowledge and Perspectives for Novel Therapies. Springer Singapore, Copyright 2018, pp 23-40.
- Robert Kantora and Jonathan I. Silverberg (2017). Environmental risk factors and their role in the management of atopic dermatitis. Expert Rev Clin Immunol. 2017 Jan; 13(1): 15–26. Published online 2016 Jul 28. doi: 10.1080/1744666X.2016.1212660
- Tran, Phuong (2018). The Relationship between the Home Environment, Eczema and Skin Infections in Young Children in New Zealand.The University of Auckland, http://hdl.handle.net/2292/37441