Câu hỏi tốt nghiệp kinh tế và mạt da demodex?

0
1529

Chuyện kể về chuyện ở một trường danh tiếng nọ, các sinh viên trước khi tốt nghiệp đều trải qua một số bài kiểm tra đầu ra. Đó là vào bài kiểm tra cuối cùng, vị giáo sư môn kinh tế đã đưa ra những câu hỏi để đánh giá liệu các sinh viên có vận dụng tốt kiến thức vào thực tế không.

Không có gì làm bất ngờ khi các sinh viên đều lần lượt hoàn thành một cách tinh tế và đầy thông minh với các câu hỏi, cho đến câu hỏi cuối cùng thì không một ai vượt qua được. Các bạn đang tò mò không biết vị Giáo sư nọ đã hỏi gì phải không?

“Bạn hãy cho biết tên của người phụ nữ vẫn lau dọn giảng đường này mỗi buổi sáng, trưa và tối”.

Tất cả các học viên MBA đều thấy người phụ nữ này lau dọn mỗi ngày, nhưng không ai trả lời được câu hỏi cuối cùng đó. Họ đều biết người phụ nữ ấy trông như thế nào, nhưng không ai biết tên cô, câu chuyện cuộc đời cô hay bất kì điều gì thực sự về cô. Vậy nên mọi người nộp bài mà không học viên nào trả lời được câu hỏi cuối.

Lúc nộp bài ai cũng tranh nhau hỏi, liệu câu hỏi đó có được tính điểm vào cuối khóa không? Vị giáo sự trả lời: “Dĩ nhiên rồi! Trong cuộc đời sự nghiệp của mỗi người sẽ gặp nhiều người trong hành trình của mình. Nhưng nhớ rằng ai cũng quan trọng. Mỗi người đóng góp theo cách riêng nào đó vào thành công chung của công việc. Họ đều xứng đáng được các em chú ý và tôn trọng”.

Liên hệ đối với chuyên ngành da liễu, chúng ta cũng có rất nhiều sinh vật đang hiện diện mỗi ngày bên cạnh ta cần được chú ý và tôn trọng như vậy. Tuy nhiên, đôi khi có một số loài lại bị xem là “những con vật xấu xí”, “những kẻ phá hoại” hơn là nhìn về những đóng góp của chúng. Theo cách nào đó…

Tôi đang đề cập đến mạt da demodex. Vâng, chính xác là loài sinh vật đang được biết đến như là thủ phạm gây ra nhiều rắc rối như viêm da mặt, ngứa da mặt, mụn trứng cá, trứng cá đỏ do demodex… Chủ đề này không viết để minh oan cho demodex nhưng sẽ giúp có cái nhìn toàn diện hơn về loài sinh vật này.

Như cũng đã đề cập đến trong một số bài viết trước, da người mang đến một mảnh đất ưa thích cho nhiều chủng vi khuẩn, nấm men và mạt. Có thể nói các sinh vật này ăn cùng mâm cùng bàn với nhau. Da nuôi dưỡng chúng, mỗi sinh vật một vai trò khác nhau giúp da khỏe và cân bằng.

Với demodex, chúng phát triển dồi dào trong các nang lông, nhưng kỳ lạ thay là chúng lại không hiện diện trong tuyến mồ hôi và đầu tận của ống tuyến mồ hôi. Có lẽ có một kiểu tương tác nào đó phụ thuộc giữa mạt demodex và da người. Đa phần các suy đoán cho rằng demodex đóng vai trò như “sinh vật ăn xác thối” giúp loại bỏ các sản phẩm nhờn quá mức, các protein hoặc bằng cách nào đó hỗ trợ cùng vi khuẩn P.acnes (người anh em cùng sinh sống trong đơn vị nang lông tuyến bã).

Demodex là loại sinh vật gì?

Demodex là một loại họ mạt (ve) sinh sống trên da người hoặc một số động vật. Tên gọi demodex được đưa ra đầu tiên vào năm 1843 bởi nhà động vật học Owen. Hiện có khoảng hơn 140 loài demodex hoặc dưới loài đã được xác định và có thể ảnh hưởng lên nhiều động vật có vú khác như chó, ngựa, cừu, mèo, lợn và chuột đồng.

Mạt demodex ở người có mấy loại?

Demodex ở người có hai loại là Demodex folliculorumDemodex brevis được phân biệt riêng rẽ vào năm 1963 bởi Akbulatova. Những nghiên cứu phân tử gần đây cho thấy rằng 2 loại demodex ở người đã bắt đầu phân rẽ từ khoảng hơn 87 triệu năm về trước và có thể là kết quả của quá trình lịch sử tiến hóa lây truyền qua người.

Demodex không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, chỉ nhìn thấy dưới kính hiển vi quang học, chúng dài khoảng 100 đến 300 microns.

  • Demodex folliculorum có kích thước khoảng 0.3-0.4 mm chiều dài và có bụng chia đốt thon dài. Chúng có liên hệ mật thiết với những vùng tiết bã, sống trong những khoảng kênh lòng ống nang lông tuyến bã, ống tuyến bã, và thùy tuyến bã.
  • Demodex brevis có kích thước ngắn hơn (0.25-0.2 mm) demodex folliculorum như tên gọi của chúng, có bốn cặp chân ngắn gần khu vực đầu và cổ. Chỉ có ba cặp chân ngắn gần khu vực đầu khi còn là ấu trùng hoặc nhộng.

Có phải ai cũng có mạt demodex không?

Hiếm có người trưởng thành nào mà không mang trên mình demodex, chúng thường ít thấy hoặc không gặp ở trẻ nhỏ và cũng ít thấy một cách bất ngờ ở người vị thành niên và người trẻ tuổi, thậm chí là ở cả những người da nhờn. Số lượng demodex tăng dần trong khoảng những năm 30-40 tuổi. Tỉ lệ ước tính khoảng 100% ở những người lớn tuổi hơn, mặc dù mật độ dân cư của chúng thì có những khác biệt nhau.

Chúng thường được tìm thấy ở những tuyến meibomian và tuyến bã nhờn. Mạt cho thấy ưu thế hơn ở những vùng tiết nhờn cao. Bằng chứng gợi ý các chất cholesterol ester trong chất nhờn, và môi trường kiềm đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng của loài demodex. Chúng đạt số lượng nhiều nhất ở trán, má, mũi, rãnh mũi má nhưng đôi khi cũng có thể bắt gặp ở da đầu, vùng tai ngoài, mí mắt và tuyến meibomian, phần trên của ngực.

Không phải mọi nang lông đều có chứa mạt demodex, phân bố của chúng không đồng đều, còn lý do giải thích thì cho đến nay vẫn chưa biết rõ. Demodex folliculorum chủ yếu di chuyển hướng đầu về phía ngược với dòng chảy của bã nhờn, một phần bởi vì chúng có xu hướng kị ánh áng. Thông thường, toàn bộ gia đình nhà mạt cư ngụ trong một lòng kênh hoặc ống nang lông, có thể có khoảng 20 con mạt gồm có ông bà bố mẹ cháu chắt trong đó.

Hình thái các giai đoạn phát triển của demodex

Đặc tính sinh sản và phát triển của demodex?

Chu kỳ sống của demodex có năm giai đoạn: trứng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và con trưởng thành. Mất khoảng 3-4 ngày từ giai đoạn trứng đến tiền nhộng, khoảng 7 ngày từ nhộng phát triển thành con trưởng thành.

Demodex thường sống thành đôi, vòng đời trong khoảng thời gian 18-24 ngày trên vật chủ của nó. Con cái đẻ 20-24 trứng trong nang tóc. Demodex folliculorum cái ngắn hơn và tròn hơn con đực. Cả hai đều có bộ phận sinh dục ngoài. Sau khi giao cấu ở trên bề mặt của da, chúng đi sâu vào bên trong da và đẻ trứng ở nang lông hoặc tuyến bã, mang theo vi khuẩn và bài tiết ra chất thải, chết ở trong da ngay sau khi đẻ trứng.

Bệnh da do demodex (demodicosis) có thường gặp?

Tỉ lệ ước đoán của bệnh da do demodex vẫn không biết rõ, có thể tùy thuộc vào phương pháp chẩn đoán và định nghĩa về bệnh.

  • Dạng nguyên phát như một bệnh lý “không giống vào đâu” có vẻ hiếm gặp, có nghĩa là rất dễ bị bỏ sót.
  • Dạng thứ phát liên quan với bệnh lý cục bộ hoặc hệ thống cũng không thường gặp lắm, ví dụ điển hình nhất là trứng cá đỏ thể sẩn mụn mủ và viêm da dạng trứng cá đỏ gây ra do steroid.

Nhiều tài liệu cho rằng tình trạng này có xu hướng thường gặp hơn ở những vùng khí hậu ấm và ẩm, mặc dù dữ liệu về dịch tễ còn chưa có nhiều. Những khác biệt về giới tính không được quan sát thấy trong thể nguyên phát. Những bệnh nhân có bệnh lý ác tính về máu hoặc nhiễm HIV, đặc biệt là ở trẻ em cho thấy tình trạng nhạy cảm cao hơn với bệnh da do demodex.

Làm thế nào để xác định được demodex?

Khi các bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám các triệu chứng, biểu hiện trên da mà có nghi ngờ đến do mạt da demodex thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm để giúp chẩn đoán.

Trong đó, kĩ thuật sinh thiết bề mặt da (skin surface biopsy technique) hiện là phương pháp chuẩn được khuyến cáo để phát hiện ra mạt da, đặc biệt là khi chúng phân bố ở đoạn phễu nang lông. Bằng cách nhỏ một giọt cyanoacrylate lên một slide kính hiển vi, áp lên bề mặt da nghi ngỡ trong khoảng 30-60 giây rồi lột nhanh nó ra, và sau đó phủ lên một lớp dầu thấu quang để quan sát dưới vật kính 10x hoặc 20x dưới kính hiển vi quang học.

Nhìn chung, nếu có hơn 5 con mạt/cm2 được xác định từ tổn thương đồng nghĩa với sự liên quan của demodex với biểu hiện bệnh (mặc dù con số này thì cũng không quá cứng nhắc).

Khi có số lượng mạt kí sinh nhiều, thăm khám bằng kính soi da có thể thấy được ở trong các chất trong nang lông, cạo vảy da hoặc dùng miếng dán hoặc hình ảnh “đuôi”, “lỗ mở nang lông” trên bề mặt da.

Tổn thương vùng mặt khá phân tán, không có nhân, không có hiện tượng đỏ da lan tỏa, phân bố không đối xứng là đặc điểm gợi ý với một nhóm tổn thương dạng sẩn thành cụm.

Demodex liệu có là thủ phạm gây bệnh?

Vai trò của mạt demodex trong cơ chế gây bệnh của nhiều bệnh lý da cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa rõ ràng. Phần lớn bác sĩ da liễu cân nhắc đến chúng chỉ như những hành khách mà có thể luôn được tìm thấu ở da người trưởng thành bình thường hoặc trùng hợp trên bệnh lý da.

Rõ ràng thì mạt demodex không đáp ứng đủ những khác biệt trong tiêu chuẩn như những tác nhân gây bệnh khác (theo nguyên lý Henle-Koch’s cổ điển, tiêu chuẩn phân tử của Fredericks và Relman).

Những tiến bộ trong việc hiểu rõ tương tác giữa kí sinh – vật chủ như hiện tượng cộng sinh và nội cộng sinh giữa vi khuẩn và kí sinh trùng, sẽ tạo ra một bước đột phá để trả lời câu hỏi này. Tương tự như tranh cãi về con gà và quả trứng vẫn tồn tại cho đến nay.

Các protein liên quan đến demodex, các vi khuẩn nội cộng sinh (endosymbotic bacteria) và các chất tiết ra bởi demodex có thể thúc đẩy các ER stress và từ đó gây ra hiện tượng ngưng tập bạch cầu trung tính. Những thay đổi liên quan đến ER stress có thể gây ra thay đổi hệ khuẩn chí da và sau đó là những tiến triển bệnh lý khác thêm. Thực tế thì có thể xem demodex và hệ sinh vật của chúng không phải là nguyên nhân gây nên trứng cá đỏ mà có thể là hậu quả của diến tiến tự nhiên nhiều hơn.

Hình ảnh biểu hiện bệnh da demodex thể sẩn mụn mủ

Điều trị và dự phòng demodex như thế nào?

Thông thường, vấn đề da đáp ứng tốt khi được điều trị đặc hiệu với thuốc thoa hoặc uống tùy thuộc vào tình trạng của bạn.

Tuy nhiên, như đã đề cập trong xuyên suốt bài viết thì vấn đề da của bạn liệu có thực sự gây ra bởi demodex hay do những yếu tố tác động, nguyên nhân nào đó khác kèm theo.

Khi có những yếu tố khác thì bạn cần tham vấn bác sĩ của mình hướng điều chỉnh phù hợp nhất: ví dụ như loại bỏ các sản phẩm đang làm suy yếu miễn dịch, gây rối loạn khuẩn chí da của bạn (đặc biệt là trong nhóm các sản phẩm làm sáng da, trắng da, kem trị mụn cấp tốc), điều chỉnh chế độ chăm sóc da mặt, cân bằng lượng nhờn một cách hợp lý, cải thiện chế độ dinh dưỡng và thể dục thể thao khỏe mạnh…

Không cố gắng loại bỏ sạch đi hết tất cả các chất nhờn trên da, luôn lắng nghe làn da của mình, tôn trọng cấu tạo, sinh lý và tất cả các chủng sinh vật sinh sống hài hòa trên da của mình. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tìm cho mình một bác sĩ chuyên khoa uy tín nhé!

BS Trần Ngọc Nhân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here