Khám mụn nhưng bác sĩ lại kê thuốc metformin trị tiểu đường?

0
1698

Một ngày nọ, bạn đi khám mụn để vì tình trạng kéo dài dai dẳng khiến bạn hết sức mệt mỏi. Sau khi ra về, bạn không nhớ rõ mình đã nghe được những gì, chỉ thấy tai có cảm giác hơi “lùng bùng” một tí. Chỉ còn lại toa thuốc và một số loại thuốc được cô dược sĩ hướng dẫn qua về cách sử dụng.

Bạn lên google và gõ từng loại thuốc một, này là viên kẽm, silimary thuốc bổ gan, metformin… Chậm lại chút, bạn thấy điều gì đó khác lạ. Chắc là trang web đăng có gì nhầm lẫn, bạn đọc lại một cách tỉ mỉ tên thuốc rồi mở ra thêm vài tab mới. Mọi thứ đều có vẻ giống nhau! Thuốc metformin – điều trị đái tháo đường tuýp 2. Lúc đó mới tá hỏa lên vì phát hiện trong toa thuốc mụn của bác sĩ còn có cả thuốc điều trị đái tháo đường.

Vì sao thế? liệu có sự nhầm lẫn trong kê toa thuốc của bác sĩ không?

Bài viết này tôi sẽ cùng bạn làm rõ hơn về trường hợp đầy mâu thuẫn này nhé.

Metformin là thuốc gì?

Metformin là một biguanide được biết đến rộng rãi là thuốc sử dụng trong kiểm soát đề kháng insulin ở những bện nhân đái tháo đường tuýp 2. Ở những người bị đái tháo đường, metformin giúp làm giáp hấp thu đường glucose ở ruột, cải thiện sử dụng đường ngoại biên, làm giảm nồng độ insulin máu đói và tăng nhạy cảm của cơ thể hơn đối với insulin. Và do đó nó giúp làm giảm đường máu mà không gây ra tác dụng phụ hạ đường huyết.

Các tác dụng của metformin

Ngoài ra, metformin còn có tác dụng chống oxi hóa, chống sinh ung và chống ngưng tập tiểu cầu. Và chính bởi những tác động dược học như vậy, metformin được đề xuất sử dụng điều trị trong những trường hợp không phải chỉ riêng đái tháo đường. Có thể kể ra một số bệnh lý da như rậm lông, mụn trứng cá, viêm tuyến mồ hôi nung mủ, chứng gai đen và ung thư da.

Trong đó, metformin cũng là một lựa chọn được cân nhắc dùng trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) thường kèm theo mụn trứng cá và gần đây hơn là một số trường hợp mụn trứng cá đặc biệt.

Mụn và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)?

Như đã biết thì mụn là bệnh lý viêm tác động đến nang lông tuyến bã với quá trình sinh mụn diễn ra phức tạp. Trong đó những thay đổi liên quan hormone và đề kháng insulin cũng cho thấy có sự liên quan mật thiết.

Gia tăng androgen được chứng minh có tác động đáng kể trong nhiều bệnh nhân mụn. Tăng nồng độ IGF-1 được ghi nhận ở cả nam và nữ bị mụn. Những tương quan trực tiếp giữa chỉ số IGF-1 trong máu và lượng nhờn tiết ra trung bình trên mặt cũng được ghi nhận ở những trường hợp mụn trưởng thành.

Bên cạnh đó, nồng độ các hormone dihydrotestosterone và dehydroepiandrosterone sulfate cũng tương quan với nồng độ IGF-1. Nói kĩ hơn chút xíu, ở trong cơ thể người IGF-1 tác động nhiều đến các tế bào nhờn và các tế bào trên lớp đáy của ống tuyến bã với sự có mặt của IGF-R có mặt gần như tất cả các vùng tuyến bã. Và chúng có vai trò trong quá trình sinh mụn.

IGF-1 là yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1, được sản xuất chủ yếu ở gan dưới sự điều hòa của GH. Các bằng chứng cho thấy thay đổi cao hoặc thấp bất thường của IGF-1 đều có liên quan đến tình trạng đề kháng insulin.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là vấn đề về chuyển hóa và hormone thường gặp ở nữ giới. Cứ khoảng 10 người ở độ tuổi sinh đẻ thì có 1 người gặp phải vấn đề này. PCOS thường có các biểu hiện như kinh nguyệt không đều, rậm lông, mụn trứng cá, buồng trứng có nhiều nang và một số vấn đề chuyển hóa như béo phì, tăng huyết áp, tăng mỡ máu. Mụn trứng cá gặp phải đi kèm với PCOS thường liên quan cơ chế ở trên, có xu hướng dai dẳng, gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải có PCOS thì mới có tình trạng đề kháng insulin trong mụn trứng cá. Bản thân đề kháng insulin cũng là một cơ chế góp phần trong quá trình sinh mụn được chứng minh ở nhiều thanh thiếu niên. Để hiểu rõ hơn về mụn và cơ chế sinh mụn, bạn đọc có thể xem thêm các nội dung đã được đăng tải trên blog tại đây.

Vì sao metformin lại giúp trị mụn?

Thực tế cho đến nay lý giải chính xác hoàn toàn cơ chế vì sao thuốc có tác động đến mụn vẫn đang còn tiếp tục được làm rõ. Có những bằng chứng cho thấy vai trò của metformin như một chất ức chế của mTORC1 (tham gia làm tăng điều hòa các tuyến bã nhờn ở những trường hợp mụn).

Gia tăng hoạt hóa enzyme kinase S6K1 qua trung gian mTORC1 là một cơ chế chủ đạo gây ra đề kháng insulin. Trong con đường biệt hóa tế bào Th17 tham gia trong cơ chế sinh mụn cũng có sự tham gia của mTORC1.

Có lẽ chính bởi những cơ chế này, hoặc phức tạp hơn đằng sau đó chưa được làm rõ mà nhiều chuyên gia cho rằng thuốc metformin có thể giúp ích trong điều trị một số trường hợp mụn.

Bằng chứng sử dụng metformin để điều trị mụn?

Những năm gần đây thì các nghiên cứu cũng hướng sự chú ý đến việc sử dụng metformin trong điều trị mụn nhiều hơn. Tôi xin trích dẫn một số nghiên cứu và hình ảnh kết quả điều trị đi kèm bên dưới.

Kết quả ở một bệnh nhân nam sau 6 tháng điều trị metformin kết hợp chế độ ăn tải lượng đường thấp (PMID: 26053680)

Một nghiên cứu đối chứng theo dõi 6 tháng điều trị kết hợp metformin và chế độ ăn giảm tải lượng đường cho thấy có sự cải thiện tình trạng mụn mức độ trung bình đến nặng ở các bệnh nhân nam giới. Ở nghiên cứu này, các bệnh nhân được điều trị với metformin 500 mg ngày 2 lần, kèm theo chế độ ăn có năng lượng từ khoảng 1500-2000 kcal, giàu trái cây, rau củ và cá, ít carbohydrate trong vòng 6 tháng.

Nghiên cứu không đối chứng trên 35 phụ nữ có PCOS và bị mụn cho với 12 tuần điều trị metformin 500mg uống 3 lần mỗi ngày làm giảm mức độ của mụn đáng kể từ 1.45 xuống 1.14 (p<0.001). Tuy nhiên tương quan lâm sàng kết quả này vẫn còn được hoài nghi bởi vì mức độ mụn từ khoảng 1-2 như vậy được giới hạn ở mặt và thường xếp nhóm nhẹ đến trung bình.

Hình ảnh: Metformin giúp cải thiện tốt tình trạng mụn trứng cá sau 8 tuần điều trị. (PMID: 31320975)

Nghiên cứu khác tiến hành trên 188 bệnh nhân nữ bị PCOS ở Đức với liều dao động 500-1000 mg metformin hai lần mỗi ngày trong 6 tháng cũng cho thấy sự cải thiện mức độ nặng của mụn. Ngoài ra có sự cải thiện tốt các tình trạng như bất thường kinh nguyệt, đề kháng insulin, nồng độ testosterone huyết thanh. Các nghiên cứu cho thấy không có tác dụng phụ đáng kể xuất hiện trong quá trình điều trị.

Trong bài đánh giá tổng hợp của Cochrane dựa trên rất nhiều các nghiên cứu trước đó vào năm 2020 khi so sánh giữa metformin và thuốc tránh thai đường uống (OCPs) thì cho một số kết quả: Metformin có ít tác dụng hơn trong việc cải thiện tình trạng rậm lông ở nhóm PCOS có chỉ số BMI 25-30 kg/m2 (mức độ bằng chứng thấp). Metformin có thể làm tăng những phản ứng phụ trên dạ dày ruột (như tiêu chảy, buồn nôn, cảm giác bụng khó chịu, chán ăn hoặc cảm giác vị kim loại trong miệng) hơn khi so sánh với OCP (mức độ bằng chứng thấp). Metformin có thể làm giảm tỉ lệ các phản ứng phụ nặng gặp phải khi so sánh với OCP. Không có nhiều đánh giá về các phản ứng phụ nhẹ hoặc thoáng qua.

Sử dụng metformin khi bị mụn liệu có an toàn?

Với lịch sử hơn 60 năm trên toàn thế giới, nhìn chung sử dụng metformin tương đối an toàn, dễ dung nạp và có tác dụng phụ tối thiểu. Các tác dụng thường gặp chủ yếu là trên tiêu hóa (khoảng 20-30% trường hợp như bôn, buồn nôn). Để làm giảm triệu chứng này, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác trong thời gian đầu điều trị. Tác dụng phụ nặng nề nhất có lẽ là nhiễm toan lactic (khoảng 1/30,000), nhưng chủ yếu xảy ra trên những trường hợp bệnh nhân đái tháo đường có suy chức năng gan thận.

Thực tế cho đến nay thì metformin vẫn chưa được FDA chấp thuận trong điều trị PCOS. Mặc dù chưa được chấp thuận như vậy nhưng hiện tại vẫn có một số khuyến cáo kê toa metformin sử dụng trong PCOS. Dược thư quốc gia Anh Quốc (BNF) cũng đã đưa ra liều khuyến cáo sử dụng.

Chủ yếu việc sử dụng metformin trong điều trị mụn dựa vào kinh nghiệm lâm sàng thực tế và ý kiến của nhiều chuyên gia trên thế giới trong một số tình huống. Dĩ nhiên việc sử dụng này nằm ngoài hướng dẫn kê toa và bạn gần như sẽ không tìm thấy quá nhiều những thông tin như vậy.

Chắc chắn là trước khi kê toa một loại thuốc nào cho bạn, bác sĩ sẽ cân nhắc kĩ lưỡng vấn đề của bạn, lợi hại của từng phương án và thảo luận rõ với bạn. Đừng ngần ngại để cùng trao đổi với bác sĩ của mình khi có thắc mắc hoặc muốn hiểu rõ hơn về kế hoạch điều trị nhé.

Có những lưu ý gì trước và trong quá trình sử dụng?

Cải thiện tình trạng đề kháng insulin có thể đạt được hiệu quả đáng kể thông qua việc tập luyện thể dục thể thao đều đặn, cải thiện chế độ ăn và sinh hoạt khoa học. Thực tế thì nhiều bệnh nhân bị mụn của tôi cũng có sự cải thiện rõ rệt khi bản thân họ nỗ lực thực hiện tốt những điều này. Bạn có thể tự mình tham khảo và áp dụng các kiến thức theo các bài viết về mụn trứng cá chi tiết trên blog này hoặc trong cuốn sách “hiểu mụn để hết mụn”, NXB Y học 2020.

Trước và trong quá trình thăm khám, đánh giá hoặc điều trị, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như chỉ số glucose máu, nồng độ insulin, một số hormone trong máu và xét nghiệm siêu âm khi cần. Kết quả xét nghiệm chính xác nhất khi được nhịn đói và đúng chu kì hẹn (chu kì kinh nguyệt). Do đó, bạn cần tuân thủ tốt lịch hẹn trong quá trình thăm khám và điều trị. Khi các chỉ số này có sự thay đổi, bạn có thể được thăm khám thêm với các bác sĩ nội tiết để đánh giá lại việc kê toa hoặc chỉ định phù hợp.

Thời điểm sử dụng thuốc tốt nhất là vào bữa ăn, theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường liều dùng sẽ được tăng dần trong thời gian đầu và ổn định sau khoảng 2 tuần sử dụng khi sử dụng metformin để điều trị mụn. Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề khó chịu nào trong quá trình sử dụng thuốc, bạn hãy thông báo ngay với bác sĩ điều trị của mình để được hướng dẫn chi tiết.

Lời nói cuối

Đây có thể là một hướng điều trị mới khả quan trong điều trị mụn đôi khi được các bác sĩ lựa chọn cho bạn. Đặc biệt nếu bạn là nam giới bị mụn có xu hướng không đáp ứng với liệu trình điều trị thông thường hoặc mụn đi kèm với PCOS ở nữ giới gặp phải nhiều khó khăn khi điều trị.

Vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan về việc sử dụng trên những trường hợp ngoài đái tháo đường và liệu có những yếu tố di truyền nào đó có ảnh hưởng đến kết quả hay không. Việc lựa chọn điều trị cần được cân nhắc các mặt sau khi thăm khám, đánh giá kĩ lưỡng. Hãy chắc chắn bạn cũng hiểu rõ vấn đề của mình và kế hoạch điều trị cụ thể. Lựa chọn bác sĩ chuyên khoa uy tín cho mình bạn nhé!

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Nguồn tài liệu:

  • Bubna AK. Metformin – For the dermatologist. Indian J Pharmacol. 2016;48(1):4-10. doi:10.4103/0253-7613.174388
  • Fabbrocini G, Izzo R, Faggiano A, et al. Low glycaemic diet and metformin therapy: a new approach in male subjects with acne resistant to common treatments. Clin Exp Dermatol. 2016;41(1):38-42. doi:10.1111/ced.12673
  • Fraison  E, Kostova  E, Moran  LJ, Bilal  S, Ee  CC, Venetis  C, Costello  MF. Metformin versus the combined oral contraceptive pill for hirsutism, acne, and menstrual pattern in polycystic ovary syndrome. Cochrane Database of Systematic Reviews 2020, Issue 8. Art. No.: CD005552. DOI: 10.1002/14651858.CD005552.pub3.
  • Sharma S, Mathur DK, Paliwal V, Bhargava P. Efficacy of Metformin in the Treatment of Acne in Women with Polycystic Ovarian Syndrome: A Newer Approach to Acne Therapy. J Clin Aesthet Dermatol. 2019;12(5):34-38.
  • Wang YW, He SJ, Feng X, et al. Metformin: a review of its potential indications. Drug Des Devel Ther. 2017;11:2421-2429. Published 2017 Aug 22. doi:10.2147/DDDT.S141675

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here