Đây là vấn đề có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc da. Phân loại được tuýp da là nhiệm vụ đầu tiên trong hành trình tìm kiếm một làn da khỏe, đẹp. Những loại da khác nhau khi can thiệp cùng một tác động nào đó thì mức độ hiệu quả hoặc nguy cơ đi kèm cũng khác nhau.
Nội dung chính của bài viết
Các yếu tố trong phân loại tuýp da?
Để có thể xác định được loại da cơ bản, chúng ta cần quan tâm đến những yếu tố chính như:
- Hoạt động tuyến bã nhờn cao hay thấp (dầu hay khô)?
- Khả năng nhạy cảm đối với các tác nhân cao hay thấp?
- Mức độ lão hóa của da như thế nào?
- Có sự hiện diện các vấn đề về sắc tố da không?
- Đang có tình trạng nhiễm trùng nào không?
- Các vấn đề liên quan đến viêm đang hiện diện?
Việc đánh giá đầy đủ và chính xác tình trạng của mỗi loại da cho phép chúng ta có thể tự lựa chọn cho mình những sản phẩm chăm sóc da phù hợp, tiếp cận những phương pháp điều trị và dự phòng thích hợp. Thích hợp ở đây có nghĩa là không quá mức, không dàn trải, có đầu tư trọng điểm và mang lại tính kinh tế cao.
Lưu ý: tuýp da mỗi người có thể thay đổi dao động theo mùa, theo biến động của hormone trong cơ thể, các thay đổi môi trường sống, thai kỳ, sử dụng một số thuốc, di chuyển đến vùng địa lý mới, và một số yếu tố khác. Một khi có sự thay đổi như vậy thì cũng cần có sự điều chỉnh lại liệu trình cho hợp lý.
Phân loại tuýp da nào hiệu quả, dễ áp dụng?
Có nhiều phân loại da được đưa ra, tuy nhiên trong đó có nhiều hệ thống không mang đến nhiều ứng dụng khi dự đoán về phản ứng da trước các tác động bên ngoài lên da. Hệ thống phân loại da Baumann’s cho đến nay vẫn là công cụ tiên đoán đáp ứng da có ứng dụng tốt nhất và không quá khó để thực hành.
Vào đầu những năm 1990s, Helena Rubinstein đã xác định 4 loại da chính: khô, dầu, hỗn hợp và nhạy cảm. Đến năm 2005, BS Baumann đã phát triển nên hệ thống BSTI dựa trên những thông số da cơ bản như: khô và dầu, nhạy cảm và không nhạy cảm, sắc tố và không sắc tố, nhăn hoặc không có nếp nhăn (căng). Từ đó đưa đến 16 phân loại da chi tiết.
Phần tiếp theo sẽ đi sâu vào phân tích những thông số da cơ bản của hệ thống phân loại này để giúp bạn đọc có cái nhìn chi tiết hơn. Những hệ thống phân loại khác tôi sẽ dành cho những chủ đề khác khi có sự thuận tiện.
Phân tích các thông số của phân loại da BSTI?
Ngậm nước của da: khô (D) vs dầu (O)
Đặc trưng
Để duy trì lượng nước ở da cần bằng thì đó là cả một quá trình rất phức tạp có liên quan tới nhiều yếu tố như các chất lipids da ở lớp sừng, các yếu tố làm ẩm tự nhiên (NMF), hyaluronic acid (HA), và lượng nhờn được tiết ra.
Lớp sừng da được bao quanh bởi lớp màng lipid kép có khả năng chống nước cấu tạo chủ yếu là các ceramides, acid béo, cholesterol. Khi có sự hiện diện các thành phần này một cách thích hợp thì nó mang đến một hào rào chức năng tuyệt vời, tương tự như cấy trúc tường gạch (các tế bào sừng) được bao quanh bởi các vữa xi măng (lớp lipid kép), mang đến tác động bảo vệ da và giữ cho lượng nước hạn chế mất đi qua thượng bì.
Khi hiện tượng mất nước qua da (TEWL) tăng lên gây ra do khiếm khuyết nào đó đến từ lớp sừng sẽ khiến cho da trở nên khô, thô ráp và đặc trưng bởi các đường nếp, vân da cũng gia tăng.
Rối loạn chức năng hàng rào cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm da và làm tăng tỉ lệ gặp phải viêm da tiếp xúc hoặc chàm da. Những trường hợp có hàng rào da bị rối loạn cũng sẽ thường được phân vào nhóm DS (khô, nhạy cảm).
Gợi ý trong chăm sóc da
Da khô khiến khả năng bảo vệ suy giảm, khả năng giữ nước kém hơn do đó cần tập trung thật tốt nhiệm vụ chống nắng, dưỡng ẩm cho da. Các sản phẩm chăm sóc da tại chỗ có mục đích tác động chính vào sữa chữa hàng rào da đều được xây dựng dựa trên công thức cấu phần chính của lớp sừng như ceramide, acid béo, cholesterol.
Bởi vì acid béo được phân phối từ chế độ ăn là chủ yếu, do đó cần có một chế độ ăn cân bằng để tăng cường vai trò chức năng hàng rào của da. Yếu tố khác như một số thuốc hạ mỡ máu cũng có thể làm rối loại hàng rào này.
Các chất ester, triglyceride, squalene trong chất nhờn giúp bảo vệ da khỏi các tác động của môi trường. Màng film lipid trên da được hình thành từ các chất béo có nguồn gốc từ bã nhờn cùng giúp ngăn ngừa mất nước qua da.
Do đó định kiến về việc phải cố gắng làm sạch nhờn càng nhiều càng tốt hay chế độ ăn kiêng khem đặc biệt là toàn bộ thức ăn dầu mỡ là một quan điểm sai lầm cần điều chỉnh.
Tính đề kháng của da: trơ (R) vs nhạy cảm (S)
Đặc trưng
Tuýp da trơ hiếm khi gặp phải vấn đề viêm được mô tả bên dưới và có thể dung nạp tốt với nhiều sản phẩm hoặc liệu trình điều trị kháng nhau. Da nhạy cảm có thể được phân chia thành các dưới nhóm khác nhau, đặc trưng bởi tình trạng viêm, gồm có:
- Mụn (S1)
- Trứng cá đỏ (S2)
- Bỏng rát/châm chích (S3)
- Dị ứng (S4)
Những trường hợp da nhạy cảm cũng thường gặp phải một số loại vấn đề nhạy cảm khác nhau đi kèm. Những tình huống này thường có các phát ban da đối với các sản phẩm chăm sóc da mặt, hình thành nên các mụn viêm đỏ, dị ứng…
Xem ngay nội dung chi tiết: Cách phân loại da nhạy cảm nào dễ áp dụng?
Gợi ý trong chăm sóc da
Điều quan trọng cần phải phân biệt loại da nhạy cảm bởi vì chúng cần những cách tiếp cận khác nhau với các thành phần dược mỹ phẩm khác nhau.
Lấy ví dụ một trường hợp da nhờn, nhạy cảm (xu hướng tạo mụn), sắc tố, xu hướng tạo nếp nhăn sẽ được phân nhóm là OS1PW trong khi nhóm OSPW ở người có xu hướng trứng cá đỏ sẽ được xếp nhóm OS2PW. Để đơn giản thì có thể ghi rõ sau khi phân nhóm.
Ở một số trường hợp sẽ gặp phải cả 2 vấn đề nhạy cảm như cả mụn và trứng cá đỏ sẽ được ghi là OS1,2PW. Tuýp da đề kháng thường cần những sản phẩm mạnh hơn, những thủ thuật tác động mạnh hơn để mang để hiệu quả rõ rệt.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm những gợi ý về chăm sóc da nhạy cảm tại bài viết “Chăm sóc da nhạy cảm như thế nào cho đúng?”, “Làm gì khi da nhạy cảm, da kích ứng và trứng cá đỏ” tôi đã có dịp chia sẻ trên blog này.
Sắc tố da: Sắc tố (P) vs không sắc tố (N)
Đặc trưng
Thang đo này đề cập đến khả năng dễ hình thành nên các đốm đen, thâm không mong muốn trên vùng mặt hoặc ngực (ví dụ như nám má, đốm nâu, tàn nhang) nhưng không liên quan đến chủng tộc.
Lấy ví dụ, cả những người da trắng có tàn nhang, tóc đỏ và những người da đen với nám má hoặc tăng sắc tố không mong muốn sẽ đều được xếp nhóm P.
Gợi ý trong chăm sóc da
Có thể cân nhắc sử dụng thêm những sản phẩm điều trị chứa giúp làm giảm các rối loạn sắc tố da vùng mặt đang có, tốt nhất theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó sử dụng những công thức chống oxi hóa và làm sáng da an toàn khi sử dụng lâu dài trong liệu trình chăm sóc hàng ngày.
Với những người thuộc tuýp da này, việc đánh giá đúng và sử dụng thêm các sản phẩm giúp làm giảm thiểu nguy cơ hình thành nên các tăng sắc tố sau viêm sau những can thiệp, thủ thuật thẩm mỹ da là điều cần thiết.
Nếp nhăn (W) vs căng (T)
Đặc trưng
Đặc điểm này xác định liệu bệnh nhân có thuộc nhóm da dễ tạo nếp nhăn (W) hoặc tuýp da căng (T). Ngoài những tác động từ phía môi trường thì đặc điểm này còn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ những yếu tố di truyền. Do đó, bạn cũng có thể xem xét lại các thành viên trong gia đình (ông bà, bố mẹ…) xem thử mức độ săn nhão của da thường hiện diện sớm hay muộn và mức độ như thế nào.
Chỉ số W/T được nhiều bác sĩ lựa chọn để xác định thiên hướng và hành vi của bệnh nhân để giúp điều chỉnh cũng như lựa chọn điều trị. Thang điểm càng cao thì tỉ lệ gặp phải các vấn đề càng lão hóa. Cũng tương ứng với đó là khả năng xuất hiện các vấn đề ung thư da, bệnh da ánh sáng cũng cao hơn.
Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ thường cố gắng làm rõ mối liên quan giữa các tác động bên ngoài có thể có và vấn đề da hiện có để giúp xây dựng chiến lược điều trị phù hợp.
Gợi ý trong chăm sóc da
Cần xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh, khoa học. Không hút thuốc lá (nếu có). Bổ sung chế độ ăn giàu chất chống oxi hóa. Chống nắng tốt mỗi ngày. Che chắn, bảo hộ lao động tốt giúp hạn chế tác nhân từ môi trường ô nhiễm… Tôi sẽ quay trở lại các chủ đề này với các bạn trong những bài viết khác trên blog này.
Nhiều sản phẩm chăm sóc da không có khả năng xâm nhập đủ sâu vào những lớp da bên dưới đủ để đưa đến tác động cải thiện nếp nhăn. Phần lớn các loại kem gặp thất bại trong phân nhóm này bởi vì nó không thể xâm nhập đủ sâu xuống lớp bì được.
Các sản phẩm thoa thuộc nhóm retinoids được FDA chấp nhận sử dụng trong điều trị cải thiện nếp nhăn và có ở dạng kê toa và một số ở dạng không kê toa. Bạn đọc đừng quên bổ sung thêm sản phẩm chứa retinoids trong liệu trình chăm sóc da của mình nhé. Dĩ nhiên tuân thủ những nguyên tắc an toàn khi sử dụng nhóm sản phẩm này!
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời là điều quan trọng trong cả 4 nhóm thông số. Lấy ví dụ, một da khô, nhạy cảm, sắc tố, nếp nhăn (DSPW) sẽ có được lợi ích tuyệt vời khi được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời, bởi vì hàng rào da bị phá hủy do tác động của tia UV, da trở nên khô hơn, nhạy cảm hơn, góp phần gây hình thành mụn, làm sắc tố trở nên tệ hơn, ngoài ra còn gây ra nếp nhăn.
Dĩ nhiên, điều chỉnh hành vi thói quen thôi thì chưa đủ để có thể cải thiện được khi những nếp nhăn đã bắt đầu hình thành đáng kể. Có những phương pháp điều trị da liễu, thẩm mỹ phối hợp để dự phòng và điều trị nếp nhăn một cách có hiệu quả.
Lời nói cuối
Bạn đọc vừa đi qua các nội dung chi tiết về phân loại tuýp da, những đặc trưng và gợi ý trong chăm sóc da đối với từng chỉ số riêng biệt. Những thông tin về cách nhận biết tuýp da và nguyên lý chăm sóc da cơ bản với từng bước cụ thể tôi chưa đề cập đến trong khuôn khổ bài viết này.
Hãy nhớ rằng, việc xác định tuýp da cơ bản là một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng liệu trình chăm sóc da hoàn hảo. Đừng đặt mua một món hàng nào đó khi chưa biết da mình đang như thế nào và đang thực sự cần gì. Cá nhân hóa chăm sóc da theo tình trạng mỗi người và mỗi thời điểm là điều mà tôi luôn quan tâm nhất.
Cân bằng, hài hòa các yếu tố da là mục tiêu hướng đến cuối cùng của chăm sóc da. Điều đó đến từ một chế độ chăm sóc da hợp lý, chế độ ăn cân đối, sinh hoạt khoa học và làm việc trách nhiệm.
Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!