Trong quá trình chăm bé, không ít lần bố mẹ phát hiện ra rằng bé yêu của mình đang rất khó chịu, quấy khóc vì những mẩn đỏ xuất hiện dày đặc ở vùng mang tã (bỉm). Câu hỏi trong đầu hiện lên là có phải bé bị dị ứng với tã không? Trong quá trình khám bệnh, tôi cũng thường xuyên nhận được những thắc mắc như thế.
Chủ đề này sẽ giúp các bạn giải đáp một số thắc mắc liên quan đến vấn đề trên, cùng bắt đầu nhé!
Nội dung chính của bài viết
Có phải bé bị dị ứng với tã không?
Có thể chứ! Tuy nhiên, hãy cùng nói một chút về nó. Ban đỏ, mụn nước gây đau rát vùng mang tã rất đỗi thường gặp nhưng dị ứng với tã là nguyên nhân ít gặp, không phổ biến, nếu không muốn nói là hiếm gặp.
Dị ứng với tã dùng một lần có thể được hình thành trong quá trình sử dụng và cũng đã được ghi nhận đối với một số trường hợp. Tuy nhiên, các triệu chứng kể trên đều tương tự nhau, là dạng phản ứng thường gặp có thể gặp trong rất nhiều bệnh.
Những bệnh lý da có xuất hiện ban ở vị trí này có thể kể đến như viêm da tã lót, viêm da tiết bã trẻ nhỏ, nhiễm trùng do candida, mẫn cảm với thức ăn, viêm da cơ địa hay ghẻ. Những nguyên nhân hiếm gặp hơn như vảy nến thể đảo ngược, pemphigus, các rối loạn chuyển hoá khác…
Rất khó để mô tả đặc điểm các ban da như thế nào cho bạn đọc để tự mình có thể phân biệt được những vấn đề kể trên. Với những tình huống thông thường không kèm theo những dấu hiệu toàn thân khác như sốt, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy thì trước mắt bạn có thể tự mình xem xét lại những vấn đề thường gặp như viêm da tã lót hay viêm kẽ…
Tôi cũng đã có dịp chia sẻ đến các bạn chủ đề “Ban da dưới cằm, nếp kẽ ở trẻ nhỏ – Viêm kẽ (Intertrigo)”, kính mời các bạn xem thêm. Trong phần còn lại của bài viết, tôi sẽ đề cập đến nội dung rộng hơn là viêm da tã lót – là một trong những nguyên nhân rất phổ biến gây nên tình trạng của bé.
Viêm da tã lót là gì?
Viêm da tã lót (diaper dermatitis) là tình trạng viêm của da ở vùng mang tã lót. Đây là một thuật ngữ dùng chung cho những vấn đề da viêm gây ra do tiếp xúc, do nấm men, vi khuẩn, do chất bã nhờn hay thậm chí là dị ứng. Trong đó, tiếp xúc là nguyên nhân thường gặp nhất.
Tình trạng xuất hiện khi da của bé tiếp xúc thời gian dài với tã bẩn, ướt. Tình trạng này rất thường gặp và chúng dễ xuất hiện đôi khi chỉ có chút bất cẩn trong chăm sóc bé. Một số trẻ cho dù được chăm rất tốt, tuy nhiên vẫn có thể gặp tình trạng này cho nên phải nói rằng tình trạng này cũng còn tùy thuộc vào độ nhạy cảm của da bé nữa.
Viêm da tã lót biểu hiện thế nào?
Da vùng mang tã đỏ, sưng nề, hơi rịn dịch nhẹ và thậm chí trong một số trường hợp có thể có các sẩn đỏ, mụn nước, bọng nước hoặc vết trợt loét. Khi bạn vệ sinh cho bé thì thường gây đau, khó chịu, quấy khóc nhiều
Toàn bộ vùng da mang tã đều bị hoặc tình trạng chỉ tác động lên một vùng nhỏ. Thường ở những vùng có tiếp xúc với mặt tã. Vị trí bên trong nếp kẽ thường không bị tổn thương hoặc đỏ gì khác.
Đôi khi tình trạng xuất hiện với kèm một đám đỏ da ở vùng bụng dưới, đùi, hông lưng, chân. Đây có thể là một chỉ điểm của tình trạng nhiễm trùng đi kèm theo.
Điều gì làm khởi phát viêm da tã lót?
Nhiều bé xuất hiện tình trạng bệnh khi đau ốm, đặc biệt là trong trường hợp tiêu chảy. Da bé trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
Bắt đầu một chế độ ăn mới cũng có thể là nguyên nhân khởi phát ban da ở một số bé.
Mang tã ướt, bẩn trong một thời gian dài.
Các hóa chất trong loại tã chỉ sử dụng một lần là vấn đề đối với một số trẻ, nhưng nhìn chung với công nghệ sản xuất ngày nay thì tình trạng cũng ít gặp hơn.
Nhiễm trùng da (ví dụ như nhiễm nấm) có thể làm ban da tệ đi. Nấm men bình thường sinh sống trên da và đường ruột của trẻ mà không gây bất kỳ vấn đề nào cả, nhưng một khi da bị tổn thương thì chúng có thể gây bệnh cho bé.
Những chất tẩy rửa, có tính bay hơi mạnh, thành phần trong một số khăn ướt có thể làm khởi phát tình trạng bệnh
Nguyên nhân nào gây viêm da tã lót?
Bình thường nước tiểu của bé là môi trường vô khuẩn (không có vi sinh vật trong nước tiểu ở những trẻ khỏe mạnh), nhưng chúng lại có mặt trên da, phân, áo quần (trong đó có ở tã mà bé đang dùng). Các chủng vi sinh vật này có thể tạo ra ammonia khi có môi trường phân, hoặc nước tiểu của bé. Ammonia có thể gây cảm giác bỏng rát, tổn thương cho da
Tã lót có thể chà xát và gây tổn thương da (đặc biệt là những loại tã có chất vải cứng)
Các loại vải, quần bằng chất liệu bí mang chồng lên trên tã có thể ngăn cản dòng khí bình thường được lưu thông khi bé mang tã, do đó có thể gây tình trạng ẩm ướt, bẩn kéo dài.
Cần làm gì khi bé bị bệnh?
Thay tã thường xuyên hơn
Trong phần lớn trường hợp, cần thay tã thường xuyên để gúp da của bé có thể đạt môi trường khô ráo. Theo hướng dẫn với trẻ dưới 12 tháng tuổi thì cần thay tã từ 5-7 lần mỗi ngày. Bạn nên thay đổi tã cho bé ngay khi bạn thấy chúng bị vấy bẩn. Mỗi khi bé ăn, bú thì cũng nên kiếm tra vùng tã cho bé và thay đổi nếu cần thiết. Công việc này không mất quá nhiều thời gian nhưng lại giúp phát hiện sớm vấn đề da và khi đó mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn.
Hãy cho da của bé có thời gian nghỉ ngơi (không mang tã) để giúp da có thể khô hoàn toàn. Hãy xác định răng việc phòng bệnh là điều quan trọng nhất – mục đích chính là giữ da khô, sạch.
Thay đổi loại tã bé đang sử dụng
Những loại tã sử dụng một lần có chất lượng tốt với lớp lót bên trong có thể hấp thu nước tiểu, mồ hôi tốt giúp giữ da bé khô có thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả rất tốt cho bé. Trong khi những loại tã bằng vải có thể là lựa chọn thân thiện cho môi trường, tuy nhiên chúng không có khả năng tốt như những loại tã sử dụng một lần.
Thay tã và vệ sinh đúng cách
Với mỗi lần thay tã, thấm khô da bé với khăn cotton, khăn giấy hoặc vải sợi loại Chux-type và được làm ẩm với nước ấm. Các loại khăn ướt làm sẵn cần tránh sử dụng cho bé vì nó có thể gây kích ứng da dữ dội. Những loại dành cho người lớn thì có quá nhiều chất cồn và có thể làm tổn thương thêm làn da cho bé.
Tắm hàng ngày. Vệ sinh, lau chùi cho bé sau khi đại tiện cần nhẹ nhàng, không được chà xát da. Nếu bạn đang dùng kẽm oxide để thoa cho bé thì đừng cố gắng lau chùi cho ra hết lớp chất kem trắng của sản phẩm đang còn trên da trong lúc thay tã. Đơn giản là rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm, thấm khô, kiểm tra các nếp kẽ, tiếp tục thoa thêm thuốc (theo hướng dẫn của bác sĩ chỉ định) cho đến khi ban da mất đi hoàn toàn. Cần đảm bảo rằng bé đã sạch (kiểm tra tất cả các vùng kẽ), sử dụng những loại sản phẩm vệ dinh có thành phần đơn giản ví dụ như sorbolene hơn là các loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh khi dùng cho những vùng da này.
Nếu tã bị dính phân hoặc chất bẩn từ phân thì cần rửa đi bằng nước ấm, thấm khô. Với các bé gái thì cần thao tác di chuyển, vệ sinh theo chiều từ trước ra sau. Những bé trai vừa mới được cắt/nong bao quy đầu thì những ngày sau đó (khoảng 3-4 ngày) thì chỉ được vệ sinh bằng nước ấm sạch và thoa các sản phẩm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng loại kem phù hợp để bảo vệ da
Sử dụng các kem làm lành da, giữ khô cho da, đặc biệt là mỗi khi bạn thay tã cho bé – ví dụ như kẽm oxide và castor oil, hoặc kẽm và cod liver oil. Cần thoa lớp dày để tăng hiệu quả bảo vệ của kem. Hồ kẽm vẫn là lựa chọn tốt nhất. Tránh không sử dụng các loại bột talc hoặc bột có tính chất tương tự bởi vì với cấu trúc giống như các mảnh vỡ bụi nhỏ và chúng có thể gây kích ứng da, hô hấp. Nếu như loại kem bạn đang dùng có thể loại bỏ rất dễ dàng thì tốt hơn nên thay đổi sang nhãn hiệu khác, bởi vì mục đích chính nhằm tạo ra lớp hàng rào hỗ trợ bảo vệ tốt cho da.
Chú ý: những loại kem này có thể nhuộm màu áo quần hoặc tã của bé. Nhiều bố mẹ sẽ lựa chọn loại tã sử dụng một lần để tránh tác dụng không mong muốn này.
Lưu ý là lấy kem ra khỏi hũ bằng miếng vét, que đè lưỡi y tế rồi phết lên khăn giấy, rồi lấy từ đó để thoa lên da cho bé. Tránh chạm tay trực tiếp vào hũ kem vì vô tình có thể làm nhiễm bẩn các chất kem điều trị. Cần đảm bảo vệ sinh tay sạch trước và sau mỗi lần thay tã.
Tránh sử dụng các loại bột, phấn rôm?
Phấn rôm không thực sự cần thiết. Bột talc hoặc các sản phẩm tương tự khác có thể đi vào đường hô hấp và gây ra một số vấn đề cho bé khi sử dụng. Thậm chí một số loại nấm men, vi khuẩn có thể ưa thích môi trường một số loại bột như vậy.
Sử dụng tã vải hợp lý
Nếu như bạn sử dụng tã vải, hãy thay chúng thường xuyên và giặt với xà phòng được chứng nhận an toàn cho da bé, da nhạy cảm. Nếu bạn có máy sấy thì hãy tận dụng chúng bởi vì tác động làm khô theo cách này có thể giúp vải sợi trở nên mềm mượt hơn là phơi nắng. Tránh sử dụng quần áo bằng sợi tổng hợp khi có thể.
Cần làm gì để giúp bé đỡ đau?
Hãy nghĩ đến tình trạng này đang làm bé đau, dù ít nhiều. Phần lớn trẻ có tình trạng viêm da tã lót đều có xu hướng quấy khóc hơn bình thường, và thậm chí là ngủ kém hơn đi nhiều. Những lúc này, bé cần được chú ý, ôm ấp, vỗ về hơn bao giờ hết.
Giảm đau cho bé bằng paraceramol. Hãy đảm bảo rằng liều lượng bạn sử dụng là đúng mức cho phép (cách đơn giản nhất là đọc trên hướng dẫn sử dụng ở bao bì sản phẩm).
Thoa kem làm dịu da cho bé. Tốt nhất là theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tại sao bệnh không đỡ dù đã chăm bé tốt?
Đôi khi ban da không khỏi được bởi vì da bị tổn thương, nhiễm trùng vi nấm, vi khuẩn kèm theo.
Một số bé có các vấn đề da khác đi kèm bên dưới như chàm. Bé thường có các phát ban ở những vị trí khác của cơ thể (ví dụ như vùng mặt). Hoặc ban da có thể hiện diện ngay tại nếp kẽ thì thường có tình trạng khác (viêm kẽ) ở bé.
Tốt nhất hãy gặp bác sĩ chuyên khoa: bác sĩ có thể sử dụng một số kem trị nấm, chàm và các kem làm liền da, giữ ẩm hợp lý. Với một số tình huống, việc bổ sung lợi khuẩn, vi nấm cho đường ruột có thể là một công cụ hỗ trợ hiệu quả cho bé nhanh phục hồi lại tình trạng bệnh.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu như tình trạng ban da không cải thiện trong vòng 2-3 ngày hoặc có xu hướng nặng dần. Các triệu chứng nặng như tình trạng tấy đỏ nhiều, xuất hiện các tổn thương dạng sẩn cục hoặc từng mảng gờ đỏ lên bề mặt da…
Với những trường hợp gần như không đáp ứng với các loại kem trị hăm bình thường thì sẽ cần đến các thuốc trị liệu, ví dụ như các thuốc kháng nấm hoặc hydrocortisone dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Khi các trường hợp ban da không chỉ xuất hiện mỗi vùng tã lót gợi ý những vấn đề khác có thể gặp phải, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và lựa chọn điều trị chính xác.
Những trường hợp ban da kèm theo các dấu hiệu, triệu chứng bất thường khác của bé cũng cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa.
Lời nói cuối
Một tình trạng phát ban hoặc tình trạng đỏ da ở vùng mang tã của bé không phải khi nào cũng là tình trạng viêm da tã lót được nói đến ở trên. Tình trạng này có thể là chàm, dị ứng hoặc nhiễm trùng. Quan trọng là bạn cần đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp với tình trạng da bé.
Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!