Sản phẩm chăm sóc da “organic”, “natural” và những sự thật đằng sau!

1
1265

Những năm vừa qua, cộng đồng mạng có xu hướng rộ lên trào lưu sản phẩm thiên nhiên, hữu cơ. Liệu lựa chọn sản phẩm từ “Mẹ thiên nhiên” này có mang lại nhiều lợi ích hay không? Sản phẩm hữu cơ và thiên nhiên có giống nhau không? Để trả lời được câu hỏi này, bạn đọc hãy cùng tôi đi qua những nội dung bên dưới.

Thuật ngữ “hữu cơ – organic” này bắt đầu sử dụng đầu tiên vào năm 1940 trong lĩnh vực nông nghiệp bởi J.I.Rodale trên tạp chí Organic Farrming and Gardening. Còn trong các sản phẩm chăm sóc da hằng ngày, thuật ngữ này không phải luôn phù hợp bởi vì khâu đóng gói sản phẩm gồm nhiều quy trình cũng như vật liệu nông nghiệp cần được điều biến nhiều trước đó. Ví dụ đơn giản như một sản phẩm có nhãn mác là sản phẩm hữu cơ nhưng không có nghĩa là bao bì của chúng có thể sử dụng tái chế được.

Dưới áp lực tăng trưởng và phát triển dựa theo xu hướng khách hàng, nhiều công ty mỹ phẩm càng ngày càng sử dụng rộng rãi thuật ngữ những thành phần và mẫu mã đóng gói sản phẩm thân thiện với môi trường với các tên gọi đầy mỹ miều như sản phẩm làm đẹp “xanh”, sản phẩm tự nhiên, thiên nhiên, hữu cơ,… Tuy nhiên những thuật ngữ này thực tế chưa có một đồng thuận rộng rãi nào cả, cũng như là chưa có sự đồng nhất giữa các quốc gia với nhau.

Đến tháng 8 năm 2005, Hiệp hội Người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ (OCA) gồm hơn 500000 thành viên đã có thắng lợi đối với USDA (The United States Department of Agriculture) cho phép các sản phẩm không phải là thức ăn (ví dụ như sản phẩm chăm sóc da mà tôi đang đề cập trong bài viết này) được công nhận và gắn nhãn mác organic – hữu cơ. Nếu sản phẩm có chứa 100% thành phần hữu cơ (dĩ nhiên không tính đến nước) thì có thể được gắn mác “100% từ hữu cơ”, Nếu sản phẩm có chứa 95% thành phần hữu cơ thì được dán nhãn “organic”, còn lại những sản phẩm có chứa từ 70-94% thành phần hữu cơ sẽ được gắn mác là “được làm từ thành phần hữu cơ” và không được dán nhãn ở mặt trước của sản phẩm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là quy định cục bộ với những sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, còn lại chưa có sự thống nhất trên Quốc tế và có thể khác biệt lớn giữa các quốc gia với nhau. Ở Châu Âu, COSMOS (Tổ chức hợp thành của 7 tổ chức lớn trong lĩnh vực sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên và hữu cơ các nước Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Anh) đã đưa ra quy định chung tương tự vào tháng 2 năm 2011.

Trong khi cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu dài hơi theo dõi về các tác dụng cũng như tác dụng phụ của các sản phẩm hoặc thành phần hữu cơ nhưng đa phần thị hiếu của khách hàng ưa thích vào những thứ mà sản phẩm không chứa đựng hơn là những gì nó có. Thực tế thì có nhiều người bỏ tiền mua một sản phẩm nào đó khi được hỏi lý do vì sao thì câu trả lời không ít bắt gặp đó là chỉ vì nó là sản phẩm thiên nhiên, không chứa chất hóa học. Nhưng hãy để ý lại một chút, nhãn dán organic chủ yếu được đưa ra để nói đến chuyện các thành phần chính yếu hoặc hoạt tính được chiết xuất từ nguồn gốc thực vật được nuôi trồng theo lối nông nghiệp sạch, hữu cơ thay vì các thực vật nuôi trồng thường lệ, các hóa chất tổng hợp hoặc các sản phẩm từ công nghiệp khai khoáng, dầu mỏ. Ngoài ra, các sản phẩm này chỉ được sản xuất với tiêu chuẩn loại trừ hoặc giảm thiểu tối đa những thành phần được cho là có khả năng gây hại đến con người, động vật, nguồn nước hoặc môi trường.

Hình ảnh minh họa. Nguồn internet

Điểm thứ 2, bạn cần biết những thành phần được cho là “natural – thiên nhiên” thì không phải khi nào cũng là hữu cơ. Theo những quy định của Hiệp hội Các sản phẩm thiên nhiên (NPA – The Natural Products Associaton), thuật ngữ “thiên nhiên” được phép dán nhãn trên sản phẩm nếu như đạt được 95% thành phần có nguồn gốc tự nhiên, không tính đến nước và được công nhận bởi một cơ quan độc lập bên thứ 3 khác. Tất cả các thành phần của sản phẩm đều bắt buộc công bố đầy đủ, chính xác đúng sự thật của sản phẩm.

“Hoạt tính thiên nhiên” là thuật ngữ phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da của một số nhãn hàng dành để mô tả những thành phần được tìm thấy trong tự nhiên nhưng được tăng hoạt, thúc đẩy hoạt tính qua quá trình điều chế ở phòng thí nghiệm. Ví dụ như loại thảo dược cỏ thơm (feverfew) có chứa thành phần tự nhiên sesquiterpene lactone parthenolide. Dạng thoa tại chỗ có chứa parthenolide có thể gây kích ứng, hoặc gây hình thành bọng nước dạng đường uống cho nên đa phần các sản phẩm từ loại thảo dược này được loại bỏ đi các thành phần parthenolide này. Tương tự vậy, “active soy” trong các sản phẩm của một số hãng được bào chế với cách tương tự. Những sản phẩm này có chứa thành phần hoạt tính đậu nành đã được loại bỏ đi các yếu tố có hoạt tính estrogen. Và dĩ nhiên, với những sản phẩm này mà đem ra xét duyệt những quy định của NPA thì sẽ không đủ điều kiện bởi vì đã được bào chế, pha trộn nhằm mục đích làm tăng hiệu quả của chúng.

Mặc dù những sản phẩm được gắn mác là hữu cơ hoặc thiên nhiên được cho rằng có tính an toàn hơn với môi trường nhưng nó cũng mang trong mình rất nhiều các vấn đề khác. Lấy ví dụ, nhiều nhãn hàng hữu cơ hoặc thiên nhiên có chứa một số dầu thực vật và hương liệu như dầu Bergamot, balsam of Peru… và đây là những chất có hoạt tính dị ứng cực kỳ cao, có thể gây viêm da đối với bất kì ai. Một số sản phẩm hữu cơ có chứa một số tinh dầu như bạc hà, cây hương thảo (rosemary) cũng có thể gây kích ứng và viêm da. Chamomile (cúc la mã) được xem là thảo dược có hoạt tính làm dịu da nhẹ nhàng cũng có thể gây dị ứng ở một số người (đặc biệt là những người có xu hướng dị ứng với cỏ phấn hướng – ragweed). Và một số sản phẩm thiên nhiên có chứa “hương liệu hỗn hợp” để che dấu đi một số mùi khó ưa của một số thành phần và điều đặc biệt là những thành phần này lại hiếm khi được liệt kê trong danh sách sản phẩm bởi vì các công ty sản xuất sẽ “lách luật” bằng cách liệt kê chúng vào các nhóm chất tạo màu hoặc gắn kết. Thậm chí là những sản phẩm được liệt kê là có chứa 95% thành phần hữu cơ cũng có thể chứa hỗn hợp hữu liệu và gây dị ứng như đặc tính vốn có thường lệ.

Cuối cùng cũng cần đề cập đến đặc tính hiển nhiên sẽ có với các sản phẩm thiên nhiên và hữu cơ đó là khả năng bảo vệ khỏi bị hư hỏng do tác động vi khuẩn, vi nấm. Có những thành phần bảo quản được hạn chế sử dụng trong các sản phẩm thiên nhiên, hữu cơ và chính vì thế nó rất dễ bị hư hỏng. Lấy ví dụ, paraben là thành phần bảo quản rất hiệu quả bị nghiêm cấm sử dụng trong thế giới các sản phẩm hữu cơ/thiên nhiên và bị bỏ qua trong danh sách được chấp thuận các thành phần bởi NPA. Thực tế, các nhóm chất bảo quản thân thiện với trái đất hơn cũng có thể gây dị ứng da cho người dùng.

Xét đến quy định về dán nhãn mác và chứng nhận hữu cơ hay thiên nhiên trong ngành hàng sản xuất mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc hàng ngày ở nước ta thì cho đến nay vẫn chưa có một ban hành đánh giá cụ thể nào. Chính vì thế, các loại sản phẩm tự chế, tự biên tự diễn hiện có với các nhãn mác quảng cáo 100% thiên nhiên, hữu cơ trôi nổi trên thị trường đều không có tính quy chuẩn nào cả. Bạn đọc cần cực kì thận trọng hơn với những thông tin như thế này hơn nữa.

Hữu cơ và thiên nhiên không có nghĩa là không dị ứng, không sinh nhân mụn. Thuật ngữ “thiên nhiên”, “hữu cơ”, “đã được kiểm chứng” cũng hoàn toàn không đề cập đến tính hiệu quả nào cả. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì xét đơn giản quá trình đánh giá về hiệu quả, tính an toàn, kiểm chứng lâm sàng rất đắt đỏ, và khi một công ty nào đó muốn xin được chứng nhận chuẩn hữu cơ/thiên nhiên nào đó thì cũng đã ngốn một khoản kinh phí rất lớn của họ rồi. Bạn biết đấy, tính trung bình với một mẫu sản phẩm ít nhất cũng phải trải qua 122 lần đánh giá chỉ tiêu, thậm chí tới 550 lần trong một quy trình đánh giá rất dài và gian nan. Chính vì thế, khi dùng bất kỳ một sản phẩm nào đó trên người chúng ta cũng cần xây dựng trên nguyên tắc thận trọng cho đến khi có những đánh giá toàn diện về tất cả các thành phần của nó. Thấu hiểu các vấn đề của da, thực trạng hiện tại, nguồn gốc và yếu tố tác động kèm những kiến thức nền tảng thông thái sẽ cho phép bạn đọc lựa chọn được cách tiếp cận những phương án trị liệu, chăm sóc da an toàn, hiệu quả, kinh tế nhất.

BS Trần Ngọc Nhân

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here