Nội dung chính của bài viết
Viêm da bàn tay là gì?
Viêm da bàn tay là một nhóm bệnh lý dạng viêm da cấp hoặc mạn ảnh hưởng đến mặt mu và lòng bàn tay.
Viêm da bàn tay còn được biết đến như là chàm bàn tay.
Những ai gặp phải viêm da bàn tay?
Viêm da bàn tay rất thường gặp ( đặc biệt là những phụ nữa trẻ tuổi) và chiếm khoảng 20-35% trường hợp viêm da nói chung. Chúng có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, bao gồm lứa tuổi trẻ nhỏ. Đặc biệt chiếm tỉ lệ đặc biệt ở những người có tình trạng viêm da cơ địa trước đó.
Viêm da bàn tay thường gặp nhiều trong ngành công nghiệp vệ sinh, thực phẩm, luyện kim, làm tóc, nhân viên y tế, hội họa và những người làm việc với máy móc. Điều này do bởi tiếp xúc với những chất kích ứng hoặc những chấn thương nhỏ trên da nhưng những dị ứng nguyên tiếp xúc đặc hiệu có thể đóng vai trò trong bệnh sinh gây bệnh.
Những nguyên nhân gây viêm da bàn tay?
Viêm da bàn tay thường do bởi nhiều nguyên nhân bao gồm:
- Yếu tố di truyền và những yếu tố chưa được biết (viêm da bây thể tạng)
- Yếu tố gây tổn thương trực tiếp đến da (viêm da tiếp xúc kích ứng)
- Phản ứng miễn dịch (viêm da tiếp xúc dị ứng).
Viêm da bàn tay thường gây ra và khởi phát bởi công việc khi đó chúng được gọi xem như là viêm da do nghề nghiệp.
Những chất kích thích có thể là nước, chất tẩy rửa, dung môi, acid, kiềm, lạnh, nóng hoặc cào gãi… Chúng phá hủy lớp sừng bên ngoài, loại bỏ lipid và làm rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ của da. Tình trạng mất nước và viêm dẫn đến những rối loạn khác trong chức năng của da.
Dị ứng tiếp xúc là phản ứng tăng nhạy cảm muộn với hoạt hóa pha nhớ gồm tế bào lympho T và các cytokines.
Đặc điểm lâm sàng của viêm da bàn tay?
Viêm da bàn tay có thể ảnh hưởng đến mặt mu của bàn tay, lòng bàn tay hoặc cả hai. Chúng có thể rất ngứa, rát bỏng và thỉnh thoảng gây đau. Chúng có thể xảy ra như đợt cấp, tái phát hoặc mạn tính.
Viêm da bàn tay cấp có những biểu hiện:
- Dát, sẩn hoặc mảng đỏ.
- Phù nề
- Mụn nước, bọng nước hoặc rỉ dịch.
- Nứt da, trợt da.
Những đặc điểm của viêm da bàn tay mạn bao gồm:
- Khô da và bong vảy
- Lichen hóa
Có rất nhiều nguyên nhân cũng như hình thái lâm sàng của viêm da bàn tay.
Viêm da bàn tay cơ địa
Viêm da bàn tay cơ địa/thể tạng phụ thuộc vào cơ địa suy yếu chức năng hàng rào bảo vệ của da và được khởi phát bởi tiếp xúc với những chất kích thích. Chúng có thể ảnh hưởng lên cả một hoặc cả mặt mu và gan bàn tay. Có thể có thể có bệnh cảnh của dạng viêm da dạng đĩa. Những bệnh nhân này cũng có thể có chàm ở những vị trí khác như là bàn chân, bàn tay hoặc mặt gập duổi khuỷu hoặc kheo…
Viêm da dạng đồng tiền
Viêm da dạng đồng tiền hoặc viêm da dạng đĩa có xu hướng ảnh hưởng lên mặt lưng của bàn tay và ngón tay với những mảng có giới hạn. Những vị trí khác của cơ thể có thể có hoặc không bị ảnh hưởng.
Viêm da bàn tay mụn nước
Viêm da bàn tay mụn nước còn được gọi là tổ đỉa. Những mụn nước rất ngứa xuất phát trong gan bàn tay và mặt bên của các ngón tay và bàn tay. Những triệu chứng tương tự cũng thường gặp ở chân. Chúng giống như dạng viêm da được khởi phát bởi những yếu tố căng thẳng tâm lý thông qua việc đổ mồ hôi (tăng tiết mồ hôi – hyperhidrosis).
Viêm da dạng mụn nước–vảy tái phát mạn tính.
Đây là dạng thường gặp của viêm da ngón tay và lòng bàn tay và có những đợt viêm cấp sau những giai đoạn nứt kẽ và bong vảy mạn tính.
Viêm da bàn tay dày sừng
Đây là tình trạng viêm da lòng bàn tay mạn tính với khô da và không có biểu hiện viêm trên lâm sàng. Chúng có thể xuât hiện tương tự như vảy nến lòng bàn tay nhưng ít đỏ hơn và ít có giới hạn rõ hơn.
Viêm da đầu ngón tay
Viêm da đầu ngón tay có thể đơn độc ở một vài ngón riêng lẽ.
Viêm da tiếp xúc kích ứng
Bàn tay là vị trí thường gặp nhất của viêm da tiếp xúc kích ứng, và thường do bởi làm việc môi trường ẩm ướt và tiếp xúc lặp lại với chất kích thích ở mức độ thấp. Vị trí kẽ ngón tay thường là vị trí đầu tiên bị ảnh hưởng nhưng tình trạng viêm có thể tiến triển sang các ngón tay, mặt lưng bàn tay và cổ tay. Những tổn thương viêm da tiếp xúc kích ứng có thể rải rác ở lòng bàn tay.
- Viêm da kích ứng cấp do bởi tổn thương da bởi những chất kích thích mạnh như acid và kiềm thường liên quan đến nghề nghiệp.
- Tiếp xúc lặp lại những chất kích ứng ở mức thấp như là nước, xà phòng và chất tẩy rứa có thể dẫn đến viêm da kích ứng tích tụ mạn tính (chroniccumulative irritantdermatitis).
Viêm da tiếp xúc dị ứng
Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể khó phân biệt với những dạng viêm da bàn tay thể tạng khác và viêm da tiếp xúc kích ứng. Có khoảng 30 dị ứng nguyên thường gặp và có vô số những tác nhân không thường gặp và hiếm gặp khác. Những dị ứng nguyên thường gặp bao gốm nikel, hương liệu, chất xúc tác cao su ( trong găng tay) và p-phenylenediamine (thuốc nhuộn tóc tạm thời).
Những yếu tố gợi ý dị ứng tiếp xúc với dị ứng nguyên có thể bao gồm:
- Những đợt bùng phát viêm da xảy ra có liên quan đến những công việc hoặc một nơi nào đó sau từ vài giờ đến vài ngày.
- Không theo quy luật nào cả, phân bố không đối xứng của tổn thương.
- Bờ tổn thương giới hạn rõ ví dụ như ở vị trí cổ tay liên quan đến bờ trên của găng tay.
Viêm da bàn tay
Xem thêm nhiều hình ảnh hơn về viêm da bàn tay
Những biến chứng của viêm da bàn tay
- Nhiễm trùng vi khuẩn( tụ cầu hoặc phế cầu) có thể dẫn đến mụn mủ, vảy tiết và đau nhức.
- Viêm da ở đầu ngón tay có thể dẫn đến biến dạng móng tay.
- Viêm da có thể lan ra những vị trí khác, đặc biệt là cẳng tay và bàn chân.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Viêm da bàn tay thường có thể được chẩn đoán và phân loại trực tiếp qua hỏi bệnh và thăm khám, cần cân nhắc đến:
- Cấp, tái phát hoặc diễn tiến mạn tính.
- Tiền sử những bệnh da trước đây.
- Viêm da ở những vị trí khác.
Có thể nhầm lẫn với những bệnh nào?
- Mày đay tiếp xúc ví dụ như găng tay latex ( phù nề, ngứa và đỏ da ngay sau khi tiếp xúc với găng tay trong vòng 1 giờ).
- Viêm da tiếp xúc với protein, thường chủ yếu ảnh hưởng đến những người cung ứng thực phẩm ( Kết hợp mày đay và viêm da gây ra do bởi phản ứng với thịt).
- Vảy nến ( đối xứng, giới hạn rõ, mảng vảy và đỏ da).
- Nấm bàn tay (vảy ngoài vi, không đối xứng hoặc xảy ra ở một bên).
Những bệnh nhân bị viêm da bàn tay mạn tính có thể được làm test áp để xác định dị ứng nguyên tiếp xúc.
Điều trị viêm da bàn tay như thế nào?
Những bệnh nhân có biểu hiện với tất cả các dnagj của viêm da bàn tay cần đặc biệt được:
- Giảm thiểu tiếp xúc đối với chất kích ứng – kể cả đối với nước.
- Khi rửa tay, hãy sử dụng chất làm sạch không xà phòng, rửa sạch cẩn thận và đảm bảo lau khô ngay sau đó.
- Tránh đụng chạm đến dị ứng nguyên đã được xác định bằng test áp.
- Mặc găng tay bảo vệ thích hợp với từng công việc.
- Thoa lớp dưỡng ẩm dày trước khi làm việc/đến trường và thoa lại sau khi rửa sạch hoặc da trở nên khô ( khoảng từ 10-20 lần trong ngày).
Điểm quan trọng trong việc sử dụng dưỡng ẩm:
Dưỡng ẩm da là những sản phẩm hỗn hợp của dầu (kem) hoặc paraffin và nước trong những dạng khác nhau.chúng được sản xuất nhằm mục đích làm mềm và giữ nước cho da. Tác dụng này kéo dài ngắn và cần được sử dụng thường xuyên trong ngày. Có rất nhiều loại dưỡng ẩm khác nhau, rất quan trọng để tìm được một hoặc hai sản phẩm phù hợp với bạn để sử dụng hằng ngày và theo hướng dẫn của bác sĩ của bạn.
Bạn có thể sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm càng thường xuyên khi bạn có thể, lý tưởng là sau mỗi lần rửa tay và khi làm việc. Hãy nhớ mang dưỡng ẩm theo bạn. Nếu bạn mua được 1 chai lớn để ở nhà và loại nhỏ để mang theo mình, thời gian buổi tối cũng là thời gian thích hợp để thoa dưỡng ẩm ví dụ như khi xem tivi hoặc trước khi đi ngủ. Việc thoa dưỡng ẩm nãy nên được sử dụng thường xuyên kể cả khi bệnh đã cải thiện nhằm giảm thiểu được khả năng tái phát.
Sử dụng dưỡng ẩm nhiều như vậy liệu có tác dụng phụ gì không?
Dưỡng ẩm hiếm khi gây tác dụng phụ, tuy nhiên nếu như da bạn quá nứt nẻ hoặc loét đau thì chúng có thể gây một chút cảm giác châm chích trong những ngày đầu sử dụng. Đôi khi dị ứng với thành phần trong dưỡng ẩm cũng có thể xảy và khi đó hãy lựa chọn sản phẩm khác phù hợp với mình. Khi sử dụng dưỡng ẩm, có thể làm cho da bàn tay bàn trở nên nhờn trong một vài phút sau khi thoa. Đặc biệt với những người làm công việc giấy tờ hoặc tương tự có thể gây ra khó chịu, khi đó hãy lựa chọn những sản phẩm dạng gel hoặc kem ít nhờn hơn.
Những găng tay bằng sợi vinyl (PVC) thường ít gây phản ứng dị ứng hơn những găng tay bằng cao su.
Lưu ý sử dụng găng tay:
- Chúng tuyệt đối phải sạch, khô và không bị thủng.
- Không được sử dụng trong một thời gina dài.
- Đổ mồ hôi bên dưới găng có thể khởi phát viêm da do vậy việc sử dụng găng tối ưu không nên kéo dài quá 20 phút mỗi lần
- Những găng tay được lót bên trong với lớp cotton có thể giúp làm dễ chịu hơn.
- Những loại sử dụng nhiều lần cần được lộn ngược trở lại và rửa thật sạch dưới nước ấm.
- Mặc găng tay khi thời tiết lạnh, khi làm những thức ăn như ớt, tiêu, hành, thịt và các acid thực vật (cà chua, chanh)
Các steroids tại chỗ làm giảm viêm.
- Sử dụng một steroid mạnh trong viêm da ở mặt mu bàn tay và loại cực mạnh ở gan bàn tay.
- Dạng kem thường thường tốt cho viêm da bàn tay mụn nước và dạng dầu thích hợp cho viêm da mạn.
- Nên thoa vùng thương tổn từ 1-2 lần mỗi ngày trong một vài tuần sau đó ngưng hoặc giảm hoạt tính hoặc tần suất sử dụng dần.
- Băng kín một thời gian ngắn làm tăng hoạt tính và độ ổn định nếu như thoa thuốc thông thường không đạt hiệu quả.
Nhiễm trùng thứ phát có thể đòi hỏi phải dùng kháng sinh uống, thường sử dụng flucloxacillin.
Đợt bùng phát cấp nặng của viêm da bàn tay được điều triij với prednisolone trong vòng 1-2 tuần.
Viêm da bàn tay kháng trị mạn tính có thể được điều trị với những thuốc lựa chọn thứ 2 như là azathioprine, methotrexate,ciclosporin, alitretinoin hoặc liệp pháp ánh sáng.
Làm thế nào để phòng được viêm da bàn tay?
Viêm da bàn tay tiếp xúc kích ứng có thể phòng ngừa được bởi những biện pháp bảo vệ kĩ lưỡng và điều trị tốt bệnh. Ở những người có viêm da cơ địa (chàm) thì rất quan trọng trong nhận biết được những nguy cơ của viêm da bàn tay, đặc biệt cân nhắc đến nghề nghiệp.
Tuy nhiên một điều bạn cần lưu ý,chăm sóc da tay tốt có thể giúp cải thiện được hàng rào bảo vệ của da và giảm viêm nhưng nó thường không chữa được hoàn toàn và nếu như những phương pháp đó không được duy trì, tình trạng thường tái phát. Tình trạng đề kháng của da bị giảm thấp trong vòng một vài tháng sau khi viêm da lành hẳn.
Tiên lượng viêm da bàn tay như thế nào?
Bằng việc chăm sóc cẩn thận, viêm da bàn tay thường phục hồi hoàn toàn. Nghỉ làm việc một vài ngày có thể sẽ hữu ích cho bạn. Khi viêm da nghề nghiệp nghiêm trọng, có thể sẽ không thể làm việc trong vài tuần hoặc vài tháng. Thỉnh thoảng thay đổi nghề nghiệp là cần thiết.
BS Trần Ngọc Nhân
Tài liệu tham khảo
- Hand dermatitis, Amanda Oakley, Dermatologist, Hamilton, New Zealand,1997, http://www.dermnetnz.org/topics/hand-dermatitis/
- Hand dermatitis – How to care for your hands – British Association of Dermatologist, September 2015.
- Eczema on Hands and Feet, http://patient.info/doctor/eczema-on-hands-and-feet