-Cắt, diễn tốt lắm! Cảm ơn sự hợp tác tuyệt vời.
Tôi thấy thoáng trên khuôn mặt ấy nở nụ cười nhẹ như muốn nói không có gì. K. là một nam thanh niên 26 tuổi, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ra trường đi làm cũng gần được 3 năm. Khác với phong cách ăn mặc quần jean áo bull khá trẻ trung, năng động thì K khá kiệm lời, điềm tĩnh và có nét gì đó khắt khe đặc trưng của dân công nghệ thông tin.
– Em đi khám ngón tay, thưa bác sĩ. Các đầu ngón tay không hiểu bị sao mà cứ nứt ra, rất khó chịu. Em có đi khám nhiều nơi rồi mà họ cứ nói là bị chàm rồi cho thuốc thoa, được vài bữa rồi nó cũng bị lại nặng ri đây!
K vừa nói vừa dùng tay phải của mình cầm rõ ngón cái tay kia để đưa cho mình xem, vừa nói vừa khẽ lắc đầu nhẹ như kiểu đã hết cách với nó không chừng. Tôi đoán nếu mà cắt bỏ đi được, tạo hóa sinh ra con người ta không cần đến cái thứ trong tay phải kia thì chắc là nó đã bị cắt phăng đi từ lâu rồi.
– Hay bác sĩ cho em đi làm xét nghiệm kiểm tra xem thứ có bị thiếu chất gì hay có bệnh gì không nhé? K lại tiếp tục, có chút lo lắng thoáng xuất hiện qua.
– Được rồi, cho mình xem thử như thế nào đã! Nếu cần thiết phải kiểm tra gì thì mình sẽ hướng dẫn thêm nhé! tôi nói.
Tôi với lấy cái đèn pin quen thuộc. Rõ là 2 ngón tay đang nứt ra, bong từng lớp sừng cứng, khô, lởm chởm, nền da bên dưới cũng mỏng đi trông thấy tạo ra mảng đỏ da khác với những vùng lân cận đó. Có lẽ một phần do đặc trưng của bệnh, phần nào đó có lẽ do quá trình dùng thuốc thời gian dài trước đó.
– Chậc! tôi tặc lưỡi, một tiếng rõ là to – tôi đoán vậy. Cái phản ứng khá là quen thuộc mỗi khi bản thân phát hiện ra một điều gì đó thật lý thú. Có đôi lần tôi cũng đã thử hỏi xem những người xung quanh có nghe thấy hoặc khó chịu gì với phản ứng đó không, nhưng không hiểu sao thường thì mọi người cũng không biết có chuyện gì xảy ra cả.
Cái lạ của bạn K là vị trí biểu hiện khác thường ấy lại nằm chệch về một phía, có xu hướng hướng vào mặt gan tay. Rõ là gợi ý của một sự sờ chạm nào đó tác động liên tục có ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Khác với những vị trí đầu ngón tay phân bố tương đối đồng đều thường thấy trong các nhân viên văn phòng, hay ngón cái và ngón trỏ như các nhân viên ngân hàng, may mặc mà tôi đã từng gặp nhiều lần trước đó. Thì nay lại có chút khác biệt. Ngay lập tức, cái ý niệm về điện thoại lóe lên trong đầu. Ô, thế sao mình không thử xem nhỉ. Tôi mở lời xin phép về một màn diễn nho nhỏ ngay tại phòng khám mà khán giả thì chỉ có 3 người – K, tôi và bạn thư kí.
– Tách, bức ảnh được lưu lại, một cái chạm khá hoàn hảo về vị trí tiếp xúc xen lẫn chút ngỡ ngàng của K. Thực tế thì ngón cái tay trái có biểu hiện vùng bệnh rộng hơn, gần như toàn bộ phần đầu móng, có xu hướng phát triển về phía bờ tự do của móng. Đây lại là một gợi ý tổn thương khá điển hình của những người làm việc trí óc nhiều, thường có những tác động vào phía tay không thuận (cắn móng tay để suy nghĩ, tìm ý tưởng chẳng hạn) và việc phải dùng tay kia để lột gỡ các vảy da cứ bong hết lớp này đến lớp khác.
Tôi dành thời gian còn lại của buổi khám để nói về vấn đề hiện có của cậu ấy, tư vấn về phương án điều trị (chủ yếu là dưỡng ẩm và băng bịt) và dự phòng, điều chỉnh thói quen.
…
Cùng nói một chút!
Dân cư số hóa thời đại 4.0 tin vào sức mạnh trong tay họ (từ thiết bị di động số hóa). Họ sở hữu quyền được chọn hay từ chối bất cứ thứ gì trong cuộc sống của mình và chỉ tập trung vào những gì đáp ứng được kì vọng cá nhân của họ. Trong xã hội số hóa, là một thế giới mới hình thành, họ có thể biết mình muốn gì và làm những điều mình muốn. Thế giới của họ được tối giản và kích cỡ chỉ lớn như màn hình của một chiếc điện thoại di động. Họ có xu hướng tương tác hữu hình với bạn bè hơn (nói đúng là nhiều hơn qua thê giới ảo). Các thiết bị di dộng số hóa phá vỡ bức tường ngăn cách truy cập thông tin và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng, cũng quan trọng như yếu tố thứ năm của cuộc sống. Nhân tiện thì kể ra, 4 yếu tố cơ bản đó là các mối quan hệ, nghề nghiệp, sức khỏe, tinh thần.
Điều tất yếu thì những thói quen đó cũng sẽ có những tác động đáng kể đến sức khỏe. Có cả tích cực, lẫn tiêu cực. Thiết nghĩ, những người làm lâm sàng cũng cần có cái nhìn và óc tiếp cận đi theo với xu hướng đó. Bệnh da nghề nghiệp có lẽ cũng sẽ được mở rộng sang nhóm nghề số hóa như vậy, ví dụ như trong tình huống của cậu thanh niên K ở trên vậy.
Tình trạng của K được xếp vào nhóm bệnh lý viêm da tiếp xúc kích ứng bàn tay thể khô (chàm bàn tay – KTPP), hay có những tên gọi khác như bàn tay nứt nẻ “chapped hands”, “bàn tay đau đớn” (có những trường hợp tiến triển thì có thể gây nứt nẻ sâu, thậm chí chảy máu, nhiễm trùng và gây đau nhức cho người gặp phải). Tình trạng này xuất hiện sau quá trình tiếp xúc lặp đi lại các tác nhân gây kích thích da, thường gặp ở những người làm các công việc như sản xuất bánh mì, thợ làm tóc, nhân viên y tế, đầu bếp hoặc các dịch vụ liên quan đến phục vụ thức ăn/đồ uống, những người làm việc văn phòng thường xuyên tiếp xúc với giấy tờ, hóa đơn hoặc là những phụ nữ sau sinh suốt ngày lỉnh kỉnh không biết bao nhiêu là việc.
KTPP thường gặp phải ở các đầu ngón tay thứ 1, 2 và 3 (ngón cái, trỏ và ngón giữa) ở bàn tay thuận và có xu hướng tiến triển hướng tâm. Nếu không điều trị, bệnh có thể tiến triển ra các ngón tay khác, và cuối cùng là tất cả các ngón trên bàn tay. Da có hiện tượng dày lên (tăng sừng), hoặc bong từng lớp với bề mặt đỏ hoặc bóng lẩy bên dưới, thường đi kèm với mất dấu vân tay. Một số trường hợp sẽ gây nên nứt nẻ, thậm chí là đau nhức. Triệu chứng ngứa ít gặp nhưng chủ yếu nếu có thì ảnh hưởng đến mặt lưng (mu) các ngón tay là nhiều hơn. Những tình huống bệnh không điều trị có thể gây ra các biến dạng móng tay như tạo nên các đường sọc dọc, ngang ở móng, bề mặt thô ráp, thay đổi màu sắc… Những thời điểm trời khô hanh như bước vào mùa đông thì tình trạng có xu hướng nặng lên thấy rõ.
KTPP thường có 2 giai đoạn: Đầu tiên là hiện tượng da bị mất đi lớp hàng rào bảo vệ da (đặc biệt là lớp lipids) do tác động của việc phải tiếp xúc thường xuyên với nước, chất tẩy rửa, dung môi hữu cơ (acetone và benzene), nước nóng, các vật dụng như báo, giấy, sợi vải hoặc bề mặt nào đó (như trong trường hợp của cậu K). Giai đoạn thứ hai là khi da tiếp xúc với những chất kích thích khác (ví dụ như các chất hoạt diện surfactants có thể gây thoái biến protein) có thể liên quan ngành nghề tương ứng, hoặc do thói quen bản thân và gây nên biểu hiện rầm rộ. Cho nên mỗi một khi tình trạng này xuất hiện, không được phát hiện, điều chỉnh hợp lý thì bệnh sẽ có xu hướng tiến triển nặng nề hơn, dai dẳng và càng khó điều trị hơn.
Tôi cũng đã có lần đề cập đến các vấn đề xuất hiện ở lòng bàn tay, ngón tay trong chủ đề chi tiết “Mất dấu vân tay do nguyên nhân gì và phải làm sao?”. Thực tế thì khi một tình trạng có liên quan mật thiết đến một nguyên nhân, tác nhân nào đó thì việc loại bỏ, hạn chế tiếp xúc với nó vẫn là điều tất yếu nhất để đạt được thành công trong kiểm soát vấn đề. Bên cạnh đó, hạn chế những tác nhân đồng thời ảnh hưởng lên tình trạng bệnh và sử dụng kem bôi, thuốc trị liệu (nếu cần thiết) một cách đều đặn.
Nếu bạn cũng đang gặp phải những tình huống tương tự thì có thể những nguyên tắc chung sau đây sẽ giúp ích phần nào cho bạn.
- Chỉ rửa tay khi thực sự cần thiết, bàn tay bẩn, trước khi ăn, sau khi sử dụng bồn tắm. Tần suất trung bình khoảng 2-3 lần mỗi ngày là phù hợp (có thể điều chỉnh, tùy vào tính chất công việc của bạn).
- Luôn ưu tiên sử dụng nước ấm hoặc mát thay vì việc sử dụng nước nóng để tắm, rửa
- Sử dụng những sản phẩm sát khuẩn tay nhanh nếu da không có vết bẩn nhìn thấy mà cần phải rửa
- Mặc găng tay tay cao su khi tiếp xúc với nước. Nếu bạn có cơ địa dị ứng với cao su, có thể sử dụng 1 lớp găng tay vải mỏng bằng chất liệu cotton trước khi mang găng cao su bên ngoài. Găng tay cao su có thể gây phản ứng dị ứng muộn ở những người nhạy cảm, do đó nếu có điều kiện thì hãy sử dụng bộ đôi găng tăng kép để tăng hiệu quả bảo vệ (vải trong, cao su ở ngoài). Một điểm đáng chú ý khác nữa là những người dị ứng với latex trong cao su thì cũng có thể có phản ứng tương tự đối với chuối, bơ, kiwi, và các loại dưa…
- Luôn sử dụng dưỡng ẩm để thoa đều đặn, đặc biệt quan trọng nhất vào thời điểm sau tắm, rửa. Buổi tối có thể thoa và massage lớp dưỡng ẩm có dạng chất đặc hơn, băng bịt lại. Nếu ở vùng lòng bàn chân thì có thể mang tất để tránh dính vào chăn ra trong khi ngủ, còn với các ngón tay riêng biệt thì có thể sử dụng các băng dán cá nhân nếu cần thiết. Tránh không dánh các băng keo dính trực tiếp lên tổn thương vì có thể các hóa chất trong keo dính có thể làm khởi phát đợt cấp, làm bệnh trở nên viêm tấy.
- Tránh những thành phần thường gây kích ứng da như: hương liệu, chất bảo quản như formaldehyde, isothiazolinones, cocamidopropyl betaine, sodium lauryl sulfate… thường có trong dầu gội đầu, sản phẩm phun xịt, các sản phẩm công nghiệp, đồ vải sợi có màu sắc sặc sỡ…
- Những sản phẩm dưỡng ẩm có chứa các chất làm dịu da, giảm viêm được thiết kế nhỏ gọn có thể là lựa chọn tốt và không giới hạn số lần thoa mà bạn có thể luôn mang theo bên mình được. Có thể kể ra như Aquaphor Baby Healing Ointment, A-Derma Exomega, Avène xeracalm, các kem có chứa urea hoặc dẫn xuất heparin nhưu axcel urea, SVR Xerial 10 lait Corps… hoặc đơn giản là Vaseline, dầu dừa cũng có thể lựa chọn được. Trong những tình huống sau khi sử dụng một thời gian mà tình trạng không cải thiện thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, điều trị hợp lý.
- Hạn chế các tác động như cắn móng tay, cạy gỡ lột các tổn thương vảy da. Thay đổi các thói quen sử dụng sản phẩm trong thời gian điều trị và sau điều trị. Bạn biết đấy, nước bọt có chứa một lượng lớn các enzyme, hệ khuẩn chí không phù hợp với bề mặt da và nhiều trong số chúng có thể làm tình trạng bệnh trở nên tệ đi trong thấy.
- Sử dụng áo quần, trang bị thấm hút mồ hôi tốt, thoáng khí. Điều trị tốt tình trạng rối loạn tiết mồ hôi kèm theo (nếu có).
- Khi đi mưa, gió lạnh trong mùa đông, nên mặc găng tay chống nước và giữ ấm tốt cho bàn tay
- Uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, chất xơ có lợi cho sức khỏe.
Vậy đó, có thật nhiều thứ mà bạn cần lưu tâm một khi tình trạng khô da, nứt nẻ thường xuyên cứ hiện hữu trên đôi tay, bàn chân của bạn. Khi mà da liễu dự phòng (preventive Dermatology) và hệ phơi nhiễm (exposome) càng ngày càng được chú ý đến đúng như điều mà nó buộc phải có thì lại càng phải nỗ lực cập nhật hơn nữa, mỗi ngày!
– Chào bác sĩ em về, cảm ơn bác sĩ…! Buổi khám kết thúc mà không có một xét nghiệm hay can thiệp thuốc uống nào cả. Chỉ có những lời khuyên, một sản phẩm thoa dự phòng và một bức ảnh ấn tượng. Tôi nghĩ mông lung về chuyện không biết lần tiếp theo bạn ấy đến khám lại là khi nào, có lẽ nếu thực hiện tốt được khoảng 7-8 phần lời dặn thì chắc là sẽ còn lâu lắm…
– Mời chị H. vào phòng khám ạ!
Tôi chả kịp vẩn vơ gì thêm chút nào, cô thư kí đã gọi bệnh tiếp theo vào phòng khám. Chị H. bước vào phòng khám một cách chậm rãi với cái bụng thì nếu từ xa ai cũng có thể quan sát thấy rõ.
-Chào bác sĩ, em…
Mọi chia sẻ, reup xin vui lòng ghi rõ nguồn. Chân thành cảm ơn quý bạn đọc!
Tài liệu tham khảo
- Athena Theodosatos and Robert Haight. Occupational Dermatology, Preventive Dermatology-Springer-Verlag London (2010), pp 103-113.
- G.A. Johnston et al (2017). British Association of Dermatologists’ guidelines for the management of contact dermatitis 2017. Br J Dermatol. 2017 Feb;176(2):317-329. doi: 10.1111/bjd.15239.
- Hiroko NANKO. Treatment of Housewives’ Hand Eczema —Touching on recent topics. JMAJ 47(1): 44–51, 2004
- Sasseville D. Occupational contact dermatitis. Allergy Asthma Clin Immunol. 2008;4(2):59–65. doi:10.1186/1710-1492-4-2-59.